TS.BS Lê Mạnh Cường. Ảnh: P.T
Thải độc đại tràng bằng thụt rửa, bơm cà phê
Hiện trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ với nhau phương pháp thải độc đại tràng và tin vào điều đó, không ít người đã làm theo. Các phương pháp thải độc đại tràng được truyền nhau như uống nước muối pha loãng, thụt cà phê vào đại tràng, bơm nước ấm vào đại tràng súc rửa ruột… Bằng cách này không chỉ "dọn" sạch đại tràng mà còn lấy đi cả chất độc bám vào giúp giảm bệnh tật, phòng ngừa ung thư.
Theo những chia sẻ này, việc thải độc đại tràng rất cần vì đại tràng giống như "bãi rác" của cơ thể, tích tụ nhiều độc tố nhất do thu nạp trực tiếp qua đường ăn uống. Cơ thể quá nhiều độc tố, các cơ quan trong cơ thể phải tích cực thải độc làm quá tải. Đại tràng bẩn là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh tật khác nhau.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, tự thụt tháo là rất nguy hiểm. Khi bơm nước hay cà phê vào hậu môn sẽ thúc đẩy việc đi tiêu, tiêu chảy. Trường hợp bù nước không kịp thời dễ ảnh hưởng tính mạng. Đã từng có bệnh nhân tự súc rửa ruột tại nhà phải vào viện cấp cứu sau khi thực hiện khoảng hơn một tuần.
Cơ thể con người bình thường đã có khả năng tự đào thải các chất cặn bã, chất độc qua các bộ phận như thận, gan… Việc thụt rửa đại tràng nhằm loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể là điều không cần thiết. Đó là chưa kể phương pháp bơm cà phê để súc rửa đại tràng chưa có một công trình nghiên cứu nào nói tới. Càng khó có thể khẳng định rằng phòng ngừa bệnh tật bằng phương pháp thải độc cơ thể bằng cách này. Khi không hiểu mà mọi người thực hiện tùy ý lại vô tình gây hại cho sức khỏe.
"Những tác động can thiệp để đào thải chất cặn bã trong đại tràng sẽ làm thay đổi môi trường đường ruột, sinh lý của cơ thể. Trong đại tràng không chỉ có hệ vi khuẩn có hại mà còn có hệ vi khuẩn có lợi cân bằng nhau, tác động không đúng sẽ làm mất cân bằng.
Bản chất của thải độc đại tràng là ép buộc tống hết mọi thứ trong đường ruột ra ngoài, nghĩa là sẽ loại bỏ mất cả vi khuẩn có lợi, làm phá vỡ cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột dẫn tới rối loạn đường tiêu hóa", TS.BS Lê Mạnh Cường cho hay.
Khi nào mới cần thụt tháo đại tràng?
TS.BS Lê Mạnh Cường cho biết, khi sức khỏe bình thường, đi ngoài phân cũng bình thường thì không nhất thiết phải thụt tháo, thải độc cho đại tràng. Thiết bị thụt tháo đại tràng chỉ dùng cho người bị bệnh lý cần điều trị, tuyệt đối không nên lạm dụng ở những người lành.
Đặc biệt với những người đang có các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng, viêm ruột, ruột kích thích hoặc bị tim mạch, thận… mà lạm dụng thụt tháo, sục rửa thải độc đại tràng dễ có những biến chứng nguy hiểm. Khi đó có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng đường ruột, mất cân bằng điện giải, nặng hơn là thủng ruột, mắc các bệnh lý về gan, thận.
Ở các cơ sở y tế, các bác sĩ cũng chỉ áp dụng phương pháp này trước khi cho người bệnh phẫu thuật hoặc thực hiện nội soi đại trực tràng. Việc chỉ định rất hạn chế, khi bệnh nhân không uống được thuốc xổ. Phương pháp này chống chỉ định với người bị viêm ruột thừa, viêm ruột, tắc ruột. Hơn nữa, trước khi thực hiện thụt tháo người bệnh cần được làm các xét nghiệm chức năng thận và ion đồ, trong quá trình thực hiện cũng phải theo dõi rất sát sao.
Theo BS Bùi Văn Long (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), với việc tự thực hiện thụt nhiều có thể làm tổn thương cơ thắt hậu môn, viêm, chảy máu hoặc thủng rách trực tràng. Đặc biệt là nếu thành phần được bơm vào trực tràng không rõ là gì càng nguy hiểm hơn. Trước khi đưa bất cứ một chất nào vào cơ thể điều quan trọng là phải biết nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định.
Ngay cả việc áp dụng phương pháp nào mọi người cũng cần phải biết là đã có chứng minh trên lâm sàng chưa. Đừng nghe theo mách bảo mà liều mình áp dụng là rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, chỉ nên thụt rửa ruột, đại tràng khi thật cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ. Nên đến bệnh viện thăm khám khi có các vấn đề về trực tràng, đại trực tràng…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, việc tự tháo thụt, sục rửa đại tràng sẽ làm mất cân bằng điện giải, mất nước cơ thể… Người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…
Để đại tràng khỏe mạnh, điều quan trọng là mọi người cần hình thành cho mình thói quen ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Cần chú ý ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối thực phẩm nhưng nên ưu tiên ăn nhiều rau quả có chất xơ, thực phẩm có chứa ngũ cốc nguyên cám. Cùng với đó chú ý kiểm soát cân nặng, duy trì vận động và luyện tập thể dục thể thao ít nhất mỗi ngày 30 phút và uống đầy đủ nước hàng ngày 2lít để giúp nhuận tràng, giảm táo bón, đẩy chất thải ra ngoài. Đây là những cách làm sạch đại tràng tự nhiên mà lại hiệu quả.