FED tăng lãi suất lần thứ 10 trong hơn 1 năm
Ngày 3/5 (đêm 3/5 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố tăng lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm bất chấp khủng hoảng ngành ngân hàng và nguy cơ suy thoái đang trên đà gia tăng.
Cụ thể, FED đã tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5,00 - 5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của FED kể từ tháng 3/2022.
Trước đó, nhiều dự báo cho rằng FED có thể tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự gia tăng trở lại của lạm phát dường như thúc đẩy các quan chức FED tiếp tục tăng lãi suất.
Ở một diễn biến khác, FED đồng thời phát đi tín hiệu rằng họ có thể tạm ngừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo, qua đó giúp giới chức Mỹ có thời gian đánh giá hậu quả từ các vụ đổ vỡ ngân hàng gần đây, chờ đợi giải pháp cho bế tắc chính trị về vấn đề trần nợ công của Mỹ và theo dõi quá trình lạm phát.
Tuyên bố chính sách đi kèm quyết định này nhấn mạnh các quan chức sẽ nghiên cứu diễn biến của nền kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính trong những tuần và tháng tới để đưa ra những chính sách bổ sung, đồng thời không đảm bảo FED sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6 tới.
Trong buổi họp báo, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định vấn đề của các ngân hàng nhỏ đã được cải thiện và toàn hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn khoẻ mạnh và việc tăng lãi suất tiếp nếu cần vẫn sẽ được tính đến.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết: "Kể từ đầu năm ngoái tới nay, chúng tôi đã tăng tổng cộng 5 điểm phần trăm để đạt được lập trường chính sách tiền tệ. Chúng tôi sẵn sàng hành động hơn nữa nếu cần siết chặt tiền tệ ở mức lớn hơn".
Phố Wall điều chỉnh mạnh sau động thái tăng lãi suất của FED
Phố Wall điều chỉnh trên cả ba chỉ số chính và đóng cửa mức thấp nhất trong phiên sau động thái của FED tăng lãi suất, đưa chi phí đi vay lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã phản ứng tiêu cực với thị trường chứng khoán khi chủ tịch FED sẽ không thể dừng việc tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao, cùng với đó các chỉ số vĩ mô mới cũng đang củng cố thêm khả năng tăng lãi suất của FED có thể sẽ chưa dừng trong giai đoạn tới, bất chấp các khủng hoảng của nhóm ngân hàng tầm trung xảy ra trong thời gian gần đây.
Chỉ số S&P500 đóng cửa giảm 0,7% và đồ thị giá giảm dưới đường trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số này giảm sát về mức hỗ trợ ngắn hạn 4,088 điểm, làm gia tăng rủi ro đảo chiều ngắn hạn. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số S&P500 vẫn duy trì ở mức tăng, trong khi đó xu hướng ngắn hạn của chỉ số Nasdaq và Dow Jones ở mức giảm.
Thị trường ngoại tệ trong nước
Trong nước, ngân hàng có động thái thay đổi sớm nhất là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Tỷ giá USD/VND tại Eximbank giao dịch ở mức: 23.230 đồng/USD - 23.610 đồng/USD, tăng 110 đồng/USD chiều mua vào tăng 70 đồng/USD chiều bán ra so với phiên cuối cùng của tháng 4.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) USD được giao dịch ở mức 23.275 đồng/USD chiều mua vào và 23.645 đồng/USD chiều bán ra. Như vậy, đã được điều chỉnh tăng 15 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức: 23.230 - 23.650 đồng/USD, giữ nguyên giá mua vào nhưng giảm 40 đồng/USD chiều bán ra.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 1 đồng/USD xuống 23.300 đồng/USD chiều mua vào và 23.600 đồng/USD chiều bán ra.
Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) giữ nguyên ở mức 23.295 đồng/USD chiều mua vào và 23.645 đồng/USD chiều bán ra.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng giữ nguyên tỷ giá so với phiên giao dịch trước đó, ở mức 23.235 đồng/USD chiều mua vào và 23.735 đồng/USD chiều bán ra./.
Nguồn: https://reatimes.vn/fed-tang-lai-suat-lan-thu-10-lien-tiep-20201224000019311.html