Điều này vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc công bố trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nghiệp có trách nhiệm (19-24/4).
Theo đó, tại công bố trong khuôn khổ Tuần lễ Doanh nghiệp có trách nhiệm do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp nghiên cứu cho thấy, mức độ nhận thức của các doanh nghiệp về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) vẫn còn thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ trong nước.
Đáng lưu ý khi chưa đến một nửa số doanh nghiệp nhỏ trong nước được hỏi có hiểu biết đầy đủ về RBP, trong khi 81% doanh nghiệp Nhà nước (SOE) hiểu đầy đủ về khái niệm và ý nghĩa của kinh doanh có trách nhiệm.
Với 84-90% doanh nghiệp được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về các vấn đề lao động (ví dụ như bảo hiểm; chế độ khen thưởng và phúc lợi; an toàn và vệ sinh). Tỷ lệ tương ứng đối với vấn đề bảo vệ môi trường là 50-73%.
Các doanh nghiệp cho biết thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan đến tiêu chuẩn lao động được ưu tiên vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Còn các vấn đề môi trường có những điểm chưa rõ ràng và chế tài tương đối yếu nên chưa được ưu tiên bằng vấn đề lao động.
Nhìn chung, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa, UNDP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, báo cáo của UNDP cũng cho thấy, có hơn 60% doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và 2/3 doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ áp dụng kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai.
Các doanh nghiệp được hỏi đều thống nhất rằng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia sẽ là cách tốt nhất hỗ trợ và đảm bảo sự nhất quán cho việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai.
Điều này cũng sẽ cho phép các kế hoạch đầu tư dài hạn hơn ở Việt Nam, giúp cho cho cộng đồng và các bên liên quan tin tưởng rằng quyền của họ được bảo vệ.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - bà Ann Mawe chia sẻ câu chuyện thành công của Thụy Điển rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh.
Theo kinh nghiệm của Thuỵ Điển, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gây tổn hại đến phát triển xã hội hoặc môi trường; ngược lại, nó thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế so sánh và các mô hình kinh doanh mới.
Thụy Điển và các thương hiệu Thụy Điển đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, bằng cách đưa thực hành kinh doanh có trách nhiệm trở thành một phần không thể thiếu của phát triển doanh nghiệp, kết hợp đối thoại xã hội và tạo ra điều kiện làm việc tốt tại nơi làm việc cũng như những chu trình sản xuất bền vững tạo ra các sản phẩm bền vững, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam thông tin.
Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam được thực hiện cùng với công ty tư vấn T&C, tập trung vào các vấn đề lao động, môi trường và quản trị, với dữ liệu được thu thập thông qua các cuộc thảo luận nhóm tập trung, phỏng vấn các doanh nghiệp đại diện và khảo sát gần 300 doanh nghiệp.
Mục đích của nghiên là cung cấp thông tin thực chứng cho việc xây dựng các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm. Đồng thời hướng dẫn chiến lược hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững hơn, tôn trọng con người, bảo vệ hành tinh và mang lại thịnh vượng cho Việt Nam.
Nguồn: https://congluan.vn/gan-90-doanh-nghiep-nho-o-viet-nam-kinh-doanh-chua-co-trach-nhiem-post129525.html