Cam đồng loạt tăng giá, cháy hàng
Theo CNBC, quý đầu năm nay, giá nước cam đã tăng vọt 25%. Đây là một trong số ít mặt hàng tăng mạnh trong diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang tăng cao.
Có lẽ, sự phổ biến của vitamin C bắt nguồn từ niềm tin nó có thể tăng cường sức đề kháng chiến đấu lại dịch bệnh.
CNBC dẫn lời các nhà đầu tư rằng, vitamin C được tìm kiếm nhiều khi bị cảm cúm. Mặc dù hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy nước cam có thể chống lại virus Corona nhưng nạp thêm vitamin C cũng giúp tăng cường miễn dịch.
Vì thế, giá nước cam cô đặc đông lạnh kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York tăng 20,5% lên 1,2 USD/pound (1 pound tương đương 0,45 kg). Mức giá này được nhận định là cao hơn so với năm 2019.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cho rằng qua đợt dịch thì nước cam cũng sẽ giảm nhanh xuống dưới 1 USD vì sản lượng cam năm 2020/2021 ở thị trường cam lớn nhất Brazil vẫn chưa biết thế nào khi thời tiết đang rất bất lợi.
CNBC còn cho biết thêm, ngoài nước cam, giá các hợp đồng lúa mì tương lai cũng tăng giá từ giữa tháng 1 và tháng 3 với mức tăng 1,8%. Ngược lại, giá ca cao, đường và cà phê đều sụt giảm.
Đối với thị trường trong nước, giá cam ở thời điểm hiện tại cũng tăng lên gấp đôi so với trước đây. Nguyên nhân là do nhu cầu mua cam tăng sức đề kháng trong mùa dịch tăng cao. Hơn nữa, vụ xuân hè cũng không phải là thời điểm để thu hoạch các giống cam khiến tình trạng cam khan hiếm trên thị trường.
Theo khảo sát của PV, so với trước Tết, giá cam tăng khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg, chanh tăng trong khoảng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Các loại cam hiện tại có giá từ 60.000 – 200.000 đồng/kg. Các siêu thị và cửa hàng hoa quả trên địa bàn không bày bán nhiều loại cam như trước và luôn cháy hàng.
"Sau khi có thông tin dịch virus Corona thì người dân quan tâm đến sức khoẻ nhiều hơn. Cứ 10 người khách thì 9 người hỏi mua cam, chanh, họ nói tăng cường uống trái cây nhiều vitamin C để tăng sức đề kháng, phòng chống dịch", chị An Nhi - một chủ cửa hàng hoa quả chuyên cung cấp trái cây tại chợ Dịch Vọng cho biết.
“Mỗi ngày tôi bán ra cả tạ cam, sức mua tăng gấp chục lần so với trước đây. Nhiều khách hỏi mua mà thậm chí chẳng quan tâm đến giá, nói bao nhiêu họ đưa bấy nhiêu. Chưa bao giờ việc mua bán lại trở nên vui vẻ, dễ dàng đến thế”
Trứng trong nước giảm bất ngờ
Không chỉ mặt hàng nước cam mà trứng cũng được người dân mua rất nhiều. Theo dữ liệu từ FactSet, giá trứng cũng nhảy vọt khi tăng lên khoảng 2,93 USD/tá từ mức 0,84 USD/tá vào đầu năm nay. Thậm chí, giá trứng gà tại Mỹ đã tăng 300% trong 3 tuần đầu tháng 3 khi nhu cầu tiêu thụ trứng tăng 4 - 6 lần. Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Urner Barry tại Mỹ cho thấy, giá bán buôn loại trứng "Midwest large" vào cuối tháng 3 đạt mức giá cao nhất mọi thời đại là 3,09 USD một tá, tăng gấp 3 lần so với đầu tháng 3.
Giá các thực phẩm trên bắt đầu tăng vọt khi Chính phủ nhiều nơi đóng cửa nhà hàng, quán cà phê... để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Ông Brian Moscoguiri, Giám đốc của Urner Barry, nhận định: “Giá trứng tăng vì nhu cầu mua trứng tăng đột biến. Nhu cầu mua trứng tăng gấp 4, 5, 6 lần so với trước đây”
Tuy nhiên, trái ngược với thị trường thế giới, tại Việt Nam thì trứng gà lại giảm mạnh (khảo sát cuối tháng 3). Cụ thể, giá trứng gà công nghiệp loại 1 có giá bán 1.100 đồng/quả, giảm đến 500 đồng/quả so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, giá trứng vịt giảm 200 đồng, xuống còn 1.400 đồng quả. Còn nếu lấy đồng đều thì giá trứng chỉ dưới 1.000 đồng/quả.
Theo ông Nguyễn Văn Thụy – hộ chăn nuôi gia cầm tại Cẩm Thủy – Hòa Bình, giá vịt và trứng gia cầm cũng giảm rất mạnh do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Giá trứng tại trang trại với mức giá 900 đồng/quả trứng gà công nghiệp đỏ. Với mức giá này, coi như lỗ, bởi giá thành chăn nuôi vịt cũng đã 40.000 đồng/kg, giá thành 1 quả trứng cũng khoảng 1.000 đồng.
Theo các trang trại chăn nuôi, giá trứng gia cầm giảm là do tác động của dịch Covid-19 khiến các bếp ăn tập thể ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, trường học tạm ngừng hoạt động. Cộng với việc thời điểm này đang là cao điểm của mùa chăn thả, đàn gia cầm sẽ tăng cao nhất trong năm với khoảng trên dưới 6%, nhưng lại trúng dịp Covid-19 khiến nhu cầu cũng giảm.