Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã nhiều lần đề nghị tăng cường quản lý giá bán điện tại các chung cư, chung cư mini giá rẻ để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm. Tuy nhiên, thực tế tình trạng vi phạm, chênh lệch giá trong việc mua bán điện vẫn diễn ra.

Giá điện "trên trời"

Khi khách hàng tìm đến các chung cư mini, ngoài những lời chào mời quen thuộc như nhà cửa sạch sẽ, tiện nghi thoáng mát, an ninh tốt… thì một số nội dung quảng cáo khác được chủ đầu tư (CĐT) nhấn mạnh vào yếu tố khách quan là “điện nước tính theo hóa đơn”, “điện nước theo giá Nhà nước”. Tuy nhiên, chỉ đến khi về ở, sử dụng ít nhưng giá điện vẫn cao, cư dân mới "vỡ lẽ", rằng những lời quảng cáo trên chỉ là "cam kết miệng" , khác xa với thực tế.

Giá điện "trên trời" - nỗi ám ảnh hàng tháng của các cư dân chung cư mini.

Theo khảo sát của PV, tại nhiều điểm có chung cư mini trên địa bàn Hà Nội như: quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông... người dân hầu như phải trả giá điện cao hơn khá nhiều so với quy định. 

Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 của Bộ Công Thương, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện.

Đối với điện năng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán điện theo nguyên tắc định mức chung của bên mua điện bằng định mức của từng bậc nhân với số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/10/2018.

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt của Nhà nước hiện nay đang được chia theo 6 bậc thang: Bậc 1 (từ 0 -50kWh) 1.549 đồng/kWh; bậc 2 (51kWh - 100kWh) 1.600 đồng/kWh; bậc 3 (101kWh - 200kWh) 1.858 đồng/kWh; bậc 4 (201kWh - 300kWh) 2.340 đồng/kWh; bậc 5 (301kWh - 400kWh) 2.615 đồng/kWh và bậc 6 (từ 401kWh trở lên) 2.701 đồng/kWh. Thế nhưng, tại các chung cư mini, mức giá này thường bị "đội" lên gấp rưỡi, gấp đôi so với giá chuẩn được quy định, thành khoảng 3.000 – 4.500 đồng/kWh.

Được biết, hầu như ban đầu các CĐT đều khẳng định tính giá điện theo đúng hóa đơn của Nhà nước nhưng đến khi ở thì cư dân "vỡ mộng", hỏi lại chi tiết thì CĐT thường "chống chế" việc giá điện cao bằng cách quy ra các khoản phụ phí điện khác mà cư dân phải chịu như điện phục vụ không gian sinh hoạt chung, điện hành lang, điện thang máy, điện cầu thang...

Giá bán lẻ điện sinh hoạt của Nhà nước.

"Tôi ở một mình, đi làm từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về nhưng tháng nào cũng đều khoảng 500.000 - 600.000 đồng tiền điện/1 tháng. Hiện tại, chúng tôi đang phải trả là 4.000 đồng/kWh. Lúc mua nhà cũng chủ quan chỉ nghĩ đến các tiện ích trong hợp đồng, tin tưởng "cam kết" của CĐT về giá điện, nước, ai ngờ đâu "mọc" thêm bao phụ phí khác nên tính ra trung bình giá điện/kWh bị cao hơn so với thực tế nhưng cũng phải chấp nhận, đành dùng tiết kiệm hơn" - một cư dân thuộc chung cư mini khu vực Khương Trung (Thanh Xuân) cho biết.

“Nhà chỉ có 2 vợ chồng và đi suốt ngày, đồ dùng điện cũng ít nhưng tiền điện hàng tháng không bao giờ thấp hơn 500.000 đồng”, chị T.Hoài, nhân viên văn phòng hiện đang sinh sống tại chung cư mini thuộc phố Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Dù biết là giá điện bị tính cao nhưng đa phần cư dân "nhắm mắt cho qua".

"Tiết kiệm bao năm mới mua được căn nhà nhỏ để an cư tại Thủ đô. Dù đã được cảnh báo về những rủi ro gặp phải khi mua chung cư mini nhưng với mức thu nhập thấp, có được một căn nhà riêng của mình là mục tiêu lớn nên tôi vẫn bất chấp mua. Cuối cùng, tiện nghi chưa thấy đâu, chỉ thấy tháng nào cũng "lo lắng" về sự leo thang của giá điện" - anh N. (chung cư mini đường Trịnh Định Cửu (Hoàng Mai) bày tỏ.

Tại một số khu chung cư mini cho thuê gần các trường đại học lớn, tình trạng người thuê phải trả giá điện cao cũng xảy ra khá phổ biến. Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện đang thuê tại một chung cư mini phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Hiện nay, CĐT thu 4.500 đồng/kWh và 20.000 đồng/khối nước. Trời nắng nóng nhưng chỉ dám bật quạt, không dám lắp điều hòa. Dù giá bị tính cao nhưng đây được coi là "mức giá chung" nên có ở đâu thì cũng vậy".

Theo khảo sát thực tế của PV, tại chung cư mini số 15, ngõ 236 và chung cư mini số 206, 208 Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giá điện hàng tháng tại đây được chủ nhà "quy định" là 3.500 đồng/kWh, thậm chí còn nhấn mạnh "giá thay đổi theo giá Nhà nước ban hành" (?) trong khi đó đây đã là mức giá chênh lên gần gấp rưỡi so với mức giá chuẩn.

Chung cư mini tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội "quy định" giá điện là 3.500 đồng/kWh

Chung cư mini 7 tầng tại số 611 Vũ Tông Phan và chung cư số 92/117 Định Công áp dụng mức giá khoảng 3.000 đồng/kWh, được giới thiệu là "rẻ" so với mặt bằng chung hiện tại.

3.000 đồng/kWh được cho là "rẻ nhất" so với mặt bằng chung

Căn cứ theo Điều 12 khoản 6 của Nghị định số 134/2013/NĐ – CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt”.

Điều 10 Thông tư số 16/2014/TT-BCT: Trường hợp CĐT đứng tên ký hợp đồng mua bán điện thì cứ 4 người thuê trọ được tính là một hộ sử dụng để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 1 người được tính là ¼ định mức, 2 người là ½ định mức, 3 người được tính là ¾ định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Trường hợp không thể kê khai số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 ( từ 101 – 200 kWh: 1.858 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.

Một CĐT chung cư mini tại ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hai Bà Trưng) thừa nhận có nghe “loáng thoáng” về quy định mức tính giá điện mới theo Thông tư 25. Tuy nhiên, cụ thể ra sao thì không nắm được rõ, nên hiện tại vẫn giữ nguyên mức giá điện cho cư dân/người thuê là 4.000 đồng/kWh.

Được biết, ngành điện đã tổ chức việc ký cam kết với CĐT các chung cư mini thực hiện tính đúng giá điện theo quy định, nếu tính giá điện cao hơn quy định sẽ bị xử phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết nhưng thực tế dù có ký cam kết thì tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Trong khi đó, việc này rất khó để phát hiện, xử lý.

Nguyên nhân được cho rằng, những người sở hữu chung cư mini giá rẻ đa số là người ngoại tỉnh, người lao động có thu nhập thấp - tích cóp nhiều năm mới mua được căn nhà nhỏ ở Hà Nội nên tâm lý chung là ngại va chạm, tranh chấp, nếu tố cáo với cơ quan chức năng thì ngại Ban quản lý, CĐT tư gây khó dễ, nên dù biết quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng vẫn phải "nhắm mắt cho qua".

Cư dân cần chặt chẽ hơn trong việc thống nhất các điều khoản trong HĐ mua bán, thuê chung cư mini với CĐT.

Bất lợi ở đây là khi tranh chấp HĐ mua bán chung cư xảy ra, thiệt thòi, rủi ro "đè" lên vai người mua nhà bởi người bán/Chủ đầu tư (CĐT) luôn ở thế chủ động trong việc hợp pháp hóa để có lợi thế ngay từ ban đầu. Cư dân khi mua nhà chủ quan chỉ thống nhất các điều khoản về cơ sở vật chất, tiện nghi của chung cư mini mà bỏ quên các yếu tố khách quan nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày - giá điện.

Để tầng lớp người dân có mức thu nhập trung bình/thấp không còn phải mua điện với giá cao thì ngoài nỗ lực của ngành điện, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên từng địa bàn. Tuy nhiên, không ít người quan ngại rằng khó xử lý các CĐT về vấn đề này vì việc mua bán điện giữa CĐT với cư dân, người thuê nhà thường chỉ trao đổi bằng lời nói không có chứng cứ.

Cần phải kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn

Theo tìm hiểu, hiện việc xử lý các vi phạm liên quan vẫn đang tồn tại không ít vướng mắc. Chẳng hạn, bên kiểm tra và bên xử phạt lại là hai đơn vị khác nhau. Cụ thể, Tổng Công ty điện lực là đơn vị xây dựng kế hoạch và thực hiện và kiểm tra áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà. Còn việc xử lý các CĐT thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện CĐT có hành vi thu tiền điện của cư dân vượt quá mức quy định thì lập biên bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực và chuyển biên bản đến cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực theo quy định. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình xử lý.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân. (Ảnh: Mogi)

Trong thanh, kiểm tra số liệu sử dụng điện, nếu nơi nào sử dụng công tơ điện tử, số liệu sử dụng điện sẽ được cập nhật về đơn vị quản lý, kinh doanh điện năng để có thông tin đầy đủ và có thể kiểm tra một cách dễ dàng. Nhưng vẫn còn những nơi sử dụng công tơ cơ học nên cần phải thanh kiểm tra chặt chẽ hơn. Các đơn vị quản lý điện năng cần phải đến hiện trường đọc chỉ số và kiểm tra để kịp thời phát hiện các hiện tượng sử dụng điện bất thường, hay bán giá bán lẻ điện cao hơn so với mức quy định để đảm bảo quyền lợi cho cư dân. 

Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp CĐT kê khai không đúng số sinh sống tại chung cư mini để điều chỉnh định mức mà vẫn giữ nguyên định mức sinh hoạt sử dụng điện, tại Thông tư 25 có bổ sung quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng cho Bên bán điện. Cụ thể với trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế.

Đại diện của EVN cũng cho hay, Tập đoàn này đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên rà soát giá bán điện cho người thuê nhà; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà tại các điểm giao dịch, website, các khu công nghiệp, chế xuất...

Các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc áp giá bán điện tại các địa điểm có chung cư mini tại trên địa bàn, thống nhất với các CĐT về việc thực hiện đúng giá bán điện, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện.

Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp CĐT thu tiền sai quy định.

Nếu phát hiện CĐT bán giá điện cao quá quy định Nhà nước thì cư dân có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực Thành Phố Hà Nội theo số 19001288 hoặc Sở Công Thương, chính quyền địa phương gần nhất để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Theo Trúc An/Đô thị mới