Từ tuần trước, chi phí khí đốt tương lai giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất trong ngày, ở mức trên 43 Euro (47 USD) mỗi megawatt giờ tính theo hộ gia đình, tăng gần 40% so với mức đóng cửa trước đó.
Giá khí đốt tăng đúng thời điểm châu Âu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm. Nguyên nhân chính của việc giá khí đốt tăng là do tin tức về một cuộc tấn công tiềm tàng vào các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Australia - một trong ba nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới, cùng với Qatar và Mỹ.
Mặc dù, hiện các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu hiện đã lấp đầy khoảng 88%, nhưng việc thiếu LNG xuất khẩu từ Australia sẽ làm giảm tổng nguồn cung LNG toàn cầu và thúc đẩy cạnh tranh về nhiên liệu. Điều này sẽ khiến người mua ở châu Á và châu Âu cạnh tranh với nhau trong nỗ lực thu hút hàng hóa LNG.
Ông Zongqiang Luo, một nhà phân tích khí đốt tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nói với hãng tin CNBC rằng, cuộc đình công có thể làm gián đoạn khoảng một nửa lượng LNG xuất khẩu của Australia. "Trong tương lai, chúng tôi dự doán, triển vọng tăng giá khí đốt sẽ tiếp tục diễn ra cùng với việc nhập khẩu lượng LNG ít hơn vào châu Âu" - Zongqiang Luo nhận định.
Chia sẻ với CNN, Giám đốc phân tích khí đốt tại ICIS - Tom Marzec Manser cho biết, dù khí hóa lỏng Australia gần như không bán sang châu Âu, việc nguồn cung bị mất đi có thể gây ra hiệu ứng lan truyền. Ông giải thích khách châu Á có thể sẽ giành mua khí đốt với châu Âu.
Nhà kinh tế học tại Capital Economics - Bill Weatherburn cho hay, nếu xuất khẩu LNG của Australia bị gián đoạn, người mua châu Á và châu Âu có thể rơi vào "cuộc chiến giá" để có hàng. Giá khí đốt tự nhiên có thể còn lên cao hơn. Việc giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt cũng cho thấy khu vực này hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường LNG toàn cầu, sau khi dừng nhập khí đốt tự nhiên từ Nga.
Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), từng nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga trước năm 2022. Do đó, Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nguồn cung năng lượng Nga bị cắt giảm từ năm ngoái.
Sau chiến sự Nga - Ukraine năm ngoái, châu Âu, trong đó có Đức tức tốc tìm nguồn khí đốt mới thay thế Nga. Họ tăng cường nhập khí đốt tự nhiên Na Uy qua đường ống, đồng thời bổ sung LNG từ Mỹ và Qatar. Việc này đã giúp hạ nhiệt giá khí đốt tại châu Âu, từ mức đỉnh 300 euro một MWh tháng 8 năm ngoái.
Theo nhiều cảnh báo, nếu mùa đông năm nay lạnh, kho dự trữ khí đốt của Đức có thể cạn kiệt vào cuối tháng 1/2024. Nhóm các nhà vận hành lưu trữ khí đốt INES nêu, cách chắc chắn nhất để tránh khủng hoảng là lắp đặt thêm các trạm, kho chứa và đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Tại thị trường trong nước, từ 1/8/2023, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng ở mức phổ biến từ 26.000-26.500 đồng.
Tại các công ty kinh doanh gas phía Nam, từ 1/8, giá gas bán lẻ tăng khoảng 2.167 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tăng 13.000 đồng/bình 6 kg; tăng 26.000 đồng/bình 12 kg; tăng 97.500 đồng/bình 45 kg; tăng 108.000 đồng/bình 50 kg.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/8, giá gas của công ty này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 108.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 411.000 đồng/bình 12kg và 1.711.000 đồng/bình 50kg.
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cho hay, kể từ ngày 1/8, giá gas của thương hiệu này tăng 26.000 đồng/bình 12kg và 97.515 đồng/bình 45kg.
Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/8, giá bán gas SP tăng 2.208 đồng/kg (đã gồm VAT), tương đương tăng 26.500 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, mỗi bình gas SP 12 kg sẽ được bán ở mức 373.500 đồng bình 12kg.
Tại thị trường Hà Nội, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 8/2023 là 380.160 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.520.640 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 26.360 đồng/bình 12kg và 105.640 đồng/bình 48kg (đã bao gồm VAT).
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/gia-gas-hom-nay-ngay-148-tang-len-muc-28-usdmmbtu-107679.html