Theo đó, tập đoàn Hòa Phát đã thông báo giảm mạnh giá bán, hiện thép cuộn CB240 ở mức 16.600 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.900 đồng/kg. Còn thương hiệu thép Việt Ý, với thép cuộn CB240 giảm xuống mức 16.700 đồng/kg; thép D10 CB300 có giá 16.850 đồng/kg. Thép Việt Đức cũng thông báo giảm mạnh giá bán, thép cuộn CB240 ở mức 16.650 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.980 đồng/kg. Thép Kyoei với dòng thép cuộn CB240 ổn định ở mức 16.650 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có mức giá 17.000 đồng/kg. Thép Thái Nguyên có hai sản phẩm là thép cuộn CB240 giảm nhẹ hiện có giá 16.340 đồng/kg; thép D10 CB300 ở mức 17.000 đồng/kg.

Như vậy, sau một thời gian ngắn giữ ổn định, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm mạnh, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đã giảm khoảng 750 nghìn đồng/tấn – 1,5 triệu đồng/tấn (tùy theo thương hiệu và sản phẩm). Đây là lần thứ 2 một số doanh nghiệp thép tiến hành giảm giá sau phiên giảm vào ngày 9/6. Qua hai lần giảm, hiện giá thép vẫn còn cao, theo đó giá thép vẫn còn giá xuất xưởng quanh mốc 17.000 đồng/kg (chưa VAT).

Nguyên nhân dẫn đến việc giá thép trong nước đồng loạt giảm được xác định là do giá nguyên liệu (quặng sắt, phôi, than cốc...) đang trong xu hướng giảm. Các loại nguyên liệu này chiếm khoảng 70-80% giá thành thép sản xuất trong nước.

Giá thép giảm lần thứ 2 trong tháng 6
Giá thép giảm lần thứ 2 trong tháng 6

Trên thị trường thế giới, giá thép có xu hướng giảm trong nhiều phiên gần đây. Được biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch kiềm chế giá hàng hóa và hạn chế tình trạng đầu cơ để giảm nguy cơ bùng phát của đại dịch trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao. Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc ra lệnh kiểm soát rủi ro và hạn chế tiếp xúc với thị trường hàng hóa nước ngoài. Song song đó, Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Quốc gia nước này khẳng định sẽ sớm giải phóng kho dự trữ kim loại nhà nước, sau đó các kim loại sẽ được bán theo lô cho các nhà chế tạo và nhà sản xuất.

Giá thép tại Trung Quốc giảm sau động thái của chính phủ Trung Quốc về việc điều tra đầu cơ quặng sắt, nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất thép. Giá quặng theo đó cũng giảm mạnh ngay sau động thái trên của Trung Quốc.

Do đó, giá hầu hết các mặt hàng kim loại tại Sàn giao dịch London và Thượng Hải cũng như giá quặng sắt tại Sàn giao dịch Singapore đều đồng loạt đi xuống. Tương tự, cổ phiếu của các công ty kim loại ở Trung Quốc và Hong Kong cũng giảm theo. Đặc biệt, chỉ số phụ về khai thác và kim loại của Australia ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần một tháng qua.

Giá thép tiếp tục giảm mạnh do giá nguyên liệu thép đang trong xu hướng giảm
Giá thép tiếp tục giảm mạnh do giá nguyên liệu thép đang trong xu hướng giảm

Theo thống kê, từ đầu tháng 6 đến nay đây là lần thứ 2 giá thép trong nước giảm. Tuy nhiên, giá thép vẫn khá cao và đang quanh ngưỡng 17.000 đồng/kg (chưa bao gồm VAT).

Thông tin liên quan, mới đây Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 15/6/2021, Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã thông báo tiếp tục gia hạn thời gian ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm đây đai thép phủ màu (painted steel strapping) có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam (mã vụ việc 553). Theo Cục Phòng vệ thương mại, đây là lần thứ tư ADC thông báo gia hạn thời gian ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ việc trên.

Dự kiến kết luận cuối cùng sẽ được ban hành muộn nhất vào ngày 13/8/2021. Trước đó, ngày 23/4/2021, ADC đã ban hành Kết luận điều tra sơ bộ và bản thông tin về dữ liệu trọng yếu trong vụ việc. Theo đó, ADC cho rằng Chính phủ Việt Nam không can thiệp vào thị trường nguyên liệu để doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá; biên độ bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không đáng kể và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Úc.

Thông tin về vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị các doanh nghiệp liên quan liên hệ Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước đó, ông Phạm Chí Cường - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Đúc, luyện kim Việt Nam cho biết, giá thép tăng/giảm sẽ tạo thành một phản ứng dây chuyền. Nếu nguyên liệu đầu vào tăng, giá thép tăng thì doanh nghiệp muốn tái sản xuất bắt buộc phải tăng giá bán để mua được lại nguyên liệu sản xuất. Nếu nguyên liệu đầu vào giảm cũng sẽ tác động tới giá thép, kéo theo giá thép có xu hướng giảm...

 

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gia-thep-tiep-tuc-giam-manh-lan-thu-2-trong-thang-6-20201231000002908.html