Từ ngày 7/3, giá thép xây dựng của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) bán tại nhà máy được niêm yết từ 18 triệu đồng một tấn trở lên, tuỳ loại.

Chẳng hạn, thép thanh vằn CB400, CB500 D10 (đường kính 10mm) là 18,2 triệu đồng một tấn (chưa gồm thuế VAT). Thép vằn CB400, CB500 D12 là 18,05 triệu đồng mỗi tấn. Thép cuộn CB240, thép vằn CB300 D10 giá mới là 18 triệu đồng một tấn...

Giá thép liên tục phi mã, hiện đã vượt mức 18,3 triệu đồng/tấn.
Giá thép liên tục phi mã, hiện đã vượt mức 18,3 triệu đồng/tấn.

So với tháng trước, mỗi tấn thép xây dựng của TISCO đắt thêm 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, tuỳ loại.

Tương tự, loạt thương hiệu thép khác trong nước cũng điều chỉnh giá bán thêm 700.000-800.000 đồng mỗi tấn từ 7/3. Thép Kyoei tăng thêm 800.000 đồng mỗi tấn với thép thanh vằn CB300 D10, lên 18,02 triệu đồng; thép cuộn CB240 D10 lên 18,2 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng mỗi tấn so với tháng trước.

Thép cuộn CB240 được thép Việt Đức báo giá 17,7 triệu đồng, tăng 700.000 đồng; thép vằn CB300 D10 cũng tăng lên ngưỡng giá mới 18,02 triệu đồng một tấn.

Cơ hội cho doanh nghiệp thép

Mức giá hiện tại đã vượt mốc 18,3 triệu đồng một tấn - mức đỉnh giá hồi tháng 5 năm ngoái. Theo dự đoán của các chuyên gia, giá thép khả năng còn tăng nữa.

Đà đi lên của giá thép trong nước, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do giá nhập khẩu nguyên liệu (than, quặng sắt, thép phế...) trên thị trường thế giới tăng vọt; nguồn cung thép khan hiếm hơn kể từ thời điểm căng thẳng Nga - Ukraine nổ ra.

Theo báo cáo mới công bố của VnDirect, một số doanh nghiệp ngành thép có thể được hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, do Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, khiến giá bán neo cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng.

Cụ thể chuyên gia VnDirect cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép. Theo Hiệp hội thép thế giới (WSA), 2 quốc gia này đã sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép trong năm 2021.

Ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ.

Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận. Các chuyên gia của VnDirect cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.

Đặc biệt tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021. EU cũng là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ. Do đó, những doanh nghiệp hàng đầu ngành thép có thể được hưởng lợi từ diễn biến này, theo quan điểm của VnDirect.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thép nếu tận dụng được cơ hội xuất khẩu sang thị trường EU thì có thể tiếp tục duy trì được quy mô, doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng cần lưu ý EU hiện vẫn tiến hành áp thuế nhập khẩu thép dựa trên hạn mức xuất khẩu, do đó tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ không còn cao như năm 2021.

Doanh nghiệp xây dựng "chao đảo"

Giá thép tăng vọt và vượt đỉnh năm 2021 đã ảnh hưởng mạnh đến các công ty xây dựng, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí còn khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Doanh nghiệp xây  dựng gặp
Doanh nghiệp xây  dựng gặp "khó" khi giá thép vượt đỉnh.

Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho hay, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết, cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.

Hiện tại, giá thép chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao, đó là chưa nói đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu.

Đơn cử, tại dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, sau bão giá thép đầu năm ngoái, việc giá xăng dầu, nhựa đường, sắt thép... liên tục leo thang từ đầu năm 2022 tới nay đã đẩy nhiều nhà thầu thi công vào tình cảnh thua lỗ. Lãnh đạo một nhà thầu thi công tại 2 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây ước tính, chi phí xây dựng đội giá thêm 20-30% so với đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết.

“Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang gặp khó, càng thi công càng lỗ”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

Không chỉ nhà thầu xây dựng, việc giá thép tăng cao cũng gây khó khăn cho cả nhà phân phối. Theo vị này, doanh thu tăng chủ yếu do giá bán tăng, nhưng ở thời điểm hiện tại lợi nhuận không tăng tương ứng do phải gánh thêm nhiều chi phí.

Các đơn vị phân phối gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Để giữ chân khách hàng, họ buộc phải có nhiều giải pháp hỗ trợ và tích cực tìm nguồn cung mới để bù đắp, từ đó dẫn tới chi phí tăng, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Tương tự, doanh nghiệp sản xuất sử dụng thép làm nguyên vật liệu đầu vào cũng gặp khó khi giá mặt hàng này tăng phi mã. Không ít doanh nghiệp nhóm ngành cơ khí kết cấu thép đang chịu lỗ vì các đơn hàng ký trước đó là lúc giá thép chưa tăng. Cũng do giá tăng liên tục nên doanh nghiệp e dè trong việc ký đơn hàng vì không có lời, còn nếu muốn tăng giá thì phải đàm phán lại hợp đồng với đối tác, một điều không hề dễ dàng.

Để hạn chế vấn đề này, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng…

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/gia-thep-vuot-dinh-tao-nen-buc-tranh-voi-hai-mang-doi-lap-204527.html