Giá vàng thế giới biến động trái chiều

Tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao diễn biến đồng USD, một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến vàng, và trước khi báo cáo việc làm tháng 2/2019 được công bố tại Mỹ, có thể củng cố lập trường "kiên nhẫn" khi ra quyết định nâng lãi suất của Fed.

Giá vàng lao dốc sau khi quá trình đàm phán về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gặp thử thách mới liên quan tới bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei.

Cũng liên quan tới tiến trình đàm phán, mới đây, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Trung Quốc lập tức xoá bỏ thuế quan với hàng nông sản Mỹ, gồm thịt bò, thịt lợn. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố họ sẽ hoãn tăng thuế theo lịch trình với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Những phiên cuối tuần trước, vàng liên tục mất giá mạnh sau lời cảnh báo của Tổng thống Donald Trump rằng, ông có thể rời khỏi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nếu đó là thỏa thuận không đủ tốt. Từ mốc 1.326 USD, vàng đã giảm tới hơn 30 USD và xuyên thủng ngưỡng 1.300 USD.

Chỉ số USD – đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng 0,35% trong ngày thứ Sáu (1/3), phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần. Tính cả tháng 2/2019, chỉ số này tăng 0,78%.

Chính vì đồng USD mạnh hơn, giá vàng đã giảm hơn 1% xuống thấp nhất kể từ tháng 1/2019. Hợp đồng vàng tương lai giảm 1,65% xuống 1.294,45 USD/ounce, lần đầu tiên xuống dưới mốc 1.300 USD/ounce kể từ ngày 25/1. Tính trong tuần trước, giá vàng giảm 2,52%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2018.

Giá vàng hôm nay 4/3: Giảm mạnh trước sức ép của đồng USD

Giá vàng hôm nay 4/3: Giảm mạnh trước sức ép của đồng USD

Trong số các kim loại khác, giá bạc giảm 2,52% xuống 15,20 USD/ounce sau khi chạm mức 15,14 USD, thấp nhất kể từ ngày 22/1. Kim loại này giảm 4,5% trong tuần trước, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 2/2/2018.

Với tuần này, giới chuyên gia vẫn tỏ ra bi quan với giá kim loại quý. Trong 16 chuyên gia thị trường đã tham gia vào cuộc khảo sát Phố Wall thì có 7 người (44%) cho rằng quý kim sẽ giảm giá trong tuần này. 5 người (31%) dự đoán vàng tăng giá và 4 người tham gia khác (25%), nghiêng về xu hướng giá vàng đi ngang.

Giá vàng trong nước: Giảm mạnh trước sức ép của đồng USD


Mở cửa sáng nay 4/3, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức: 36,53 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,63 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 20 nghìn đồng so với ngày hôm qua ở chiều mua vào.

Tại Công ty SJC, giá vàng niêm yết chiều mua vào là 36,48 triệu đồng/lượng, ở chiều bán ra có mức giá là 36,70 triệu đồng/lượng. Tại thị trường TP.HCM, chiều bán ra niêm yết ở mức giá 36,68 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trong nước đã rời mốc 37 triệu đồng/lượng. Công ty VBĐQ SJC niêm yết giá vàng ở mức 36,55 - 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 110 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua. Tại PNJ, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 36,5 – 36,7 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng chiều mua vào và 100 nghìn đồng chiều bán ra so với hôm qua.

 

Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC tại mức 36,55 – 36,65 triệu đồng/lượng giảm 120.000 ở cả 2 chiều mua vào bán ra. Đây là phiên thứ ba liên tiếp giá vàng trong nước được điều chỉnh giảm. Tính từ đầu tuần, giá kim loại quý đã giảm khoảng 350 nghìn đồng/lượng.

Nhìn lại tuần qua, giá vàng diễn biến theo hướng đi xuống. Từ phiên ngày 26-2 giá bắt đầu giảm và đến ngày 28-2 giá mất mốc 37 triệu đồng/lượng. Phiên có mức giá cao nhất được ghi nhận là 36,94 triệu đồng/lượng-37,12 triệu đồng/lượng hôm đầu tuần, thấp nhất là phiên hôm nay. Với mức như hiện tại, giá kim loại quý này đã về mức thấp nhất kể từ ngày 25-1 vừa qua.

Tính chung trong tuần, giá giảm 420.000 đồng/lượng. Vào thời điểm này tuần trước, giá vàng được giao dịch phổ biến là 36,97 triệu đồng/lượng-37,07 triệu đồng/lượng.

Theo Trúc An/Đô thị mới