Chiều nay (28/5), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần.

Cụ thể, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 890 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 882 đồng/lít

Tương tự, các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng giá. Dầu diesel tăng 892 đồng/lít; dầu hỏa tăng 875 đồng/lít và dầu mazut tăng 947 đồng/kg. 

Giá xăng tăng mạnh từ 15h chiều nay

Theo đó, mức giá bán lẻ tối đa với xăng và dầu sau khi tăng giá như sau:

 - Xăng E5 RON 92: 12.402 đồng/lít

- Xăng RON 95-III: 13.125 đồng/lít

- Dầu diesel 0.05S: 10.749 đồng/lít

- Dầu hỏa: 8.757 đồng/lít

- Dầu mazut 180CST 3.5S: 9.492 đồng/kg

Trong kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON 95 trích lập ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 1.100 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 600 đồng/lít và dầu mazut ở mức 200 đồng/kg.

Liên Bộ cũng chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 600 đồng/lít, xăng RON 95 là 400 đồng/lít.

Trước đó, tại kỳ điều chỉnh gần nhất vào chiều ngày 13/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu như sau: Giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 11.520 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 12.235 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 9.857 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 7.882 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 8.545 đồng/kg.

Chiều 27/5, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Bên hành lang Quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ kiểm tra tất cả các địa bàn có phản ánh việc cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng. Qua đó, làm rõ có hay không tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá, kiểm tra hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý để đảm bảo cung ứng, lưu thông mặt hàng xăng dầu.

Cũng trong ngày 27/5, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, kết quả kiểm tra bước đầu tại một số địa phương như Bắc Giang, Đắk Lắk, Hải Dương, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng… thể hiện, tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa không bán chỉ xảy ra cục bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do không nhập được hàng để bán, hoặc lượng hàng nhập không đủ dẫn đến tình trạng bán cầm chừng, bán một vài tiếng trong ngày sau đó phải đóng cửa. Lực lượng QLTT tiếp tục xác minh các nguyên nhân khác của việc nghỉ bán xăng dầu để có kết luận cuối cùng, làm rõ có hay không tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá để xử lý nghiêm theo quy định.

Theo Minh Anh/Đô Thị Mới