Các chuyên gia cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công bị “nghẽn” do cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân như: Diễn biến dịch phức tạp, giá vật liệu tăng cao, giải phóng mặt bằng chậm, nguồn nhân lực hạn chế, thời tiết cực đoan… Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều điểm “nghẽn” khiến giải ngân chậm và thấp
Có thể thấy, các vướng mắc chủ yếu mà nhiều tỉnh đang gặp phải chủ yếu là về công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn cung trong vật liệu xây dựng dẫn đến giá cả tăng đột biến. Bên cạnh đó, một số nơi nội dung đề xuất đầu tư thường sơ sài, tổng mức đầu tư áng chừng, nhất là chi phí công tác đền bù kiểu "bốc thuốc"…
Ngoài ra, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% - 50% so với đầu năm.
Điển hình là tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 1/10, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Nam chỉ mới đạt hơn 52%, thấp hơn mức 60% như yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, hiện có 57 dự án do các ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư giải ngân dưới 60%, trong đó có đến 15 dự án giải ngân 0%; 61 dự án sử dụng kế hoạch vốn năm 2021 giải ngân dưới 60%. Hiện nay vẫn còn 7 huyện, thị xã có tỷ lệ giải ngân dưới 60%. Trong đó, huyện Thăng Bình là một trong số ít nơi đạt hơn 75% kế hoạch, giải ngân được hơn 228/300 tỷ đồng và là địa phương xếp thứ 2 ở tỉnh Quảng Nam có tiến độ giải ngân đạt yêu cầu.
Ngoài ra, những nguyên nhân làm cho tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung cả nước là việc vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ kéo dài, giá nguyên vật liệu thiếu nguồn cung và tăng đột biến... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn nhiều dự án chưa ký hợp đồng thi công, một số dự án chưa có chủ trương đầu tư thì không thể giải ngân trong những tháng còn lại của năm nay.
Hay tại Tây Nguyên, điển hình là Đắk Lắk, tỉnh được quy hoạch là trung tâm của vùng Tây Nguyên, thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho tỉnh Đắk Lắk song tiến độ giải ngân vốn còn chậm. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2021 của Đắk Lắk còn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 35%, 26 đơn vị giải ngân dưới 30% và 6 đơn vị vẫn chưa thực hiện giải ngân.
Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 5.179 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thuộc ngân sách tỉnh quản lý trên 3.745 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk mới giải ngân được khoảng trên 900 tỷ đồng (24,05% kế hoạch). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân gần 375 tỷ đồng (26,44%), nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 525,6 tỷ đồng (22,58%).
Nguyên nhân này bắt nguồn từ ngay khâu phê duyệt chủ trương đầu tư chưa được chú trọng. Cụ thể, chủ trương đầu tư được xác định là bước đầu tiên rất quan trọng nhưng việc lập đề xuất chủ trương hiện nay đều giao cho các sở chuyên ngành hoặc UBND cấp dưới lập. Nhiều trường hợp đơn vị lập đề xuất hầu như không được cấp kinh phí khảo sát, dẫn đến nội dung đề xuất đầu tư thường sơ sài, tổng mức đầu tư áng chừng, nhất là chi phí công tác đền bù.
Nhiều dự án có tiến độ bị chậm khi trong khâu lập dự án, đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán chi tiết ra nhiều nội dung và mục phí không phù hợp với chủ trương đầu tư nên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều lần. Vì vậy, đã có nhiều chủ đầu tư chọn cách lập dự án đúng chủ trương đầu tư ban đầu, sau đó vừa làm, vừa xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo tìm hiểu của phóng viên Reatimes, có những dự án dù lớn hay nhỏ đều tuân thủ hầu hết các quy định về luật (ngân sách, xây dựng, đấu thầu, đất đai, tài nguyên môi trường, lao động…), chưa kể dưới luật còn có nghị định; thông tư…, nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc do các quy định chưa rõ ràng, chồng chéo.
Tại TP. Đà Nẵng, hết tháng 9/2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 50,5% kế hoạch. Vì vậy, Thành phố đang gấp rút đôn đốc triển khai để tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, trọng điểm… Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn được các Tổ công tác liên ngành của thành phố tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, đất đai, quy hoạch và các vấn đề có liên quan khác, tạo điều kiện thanh toán nhanh khối lượng hoàn thành, giải ngân kịp thời giúp các doanh nghiệp duy trì, tái sản xuất.
Hay như tỉnh Phú Yên, theo thông tin từ UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 9/2021, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn gần 2.752,6 tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch vốn trung ương giao. Theo ước tính, phải đến đầu tháng 2/2022 việc giải ngân mới đạt được gần 3.770,6 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch vốn Trung ương đặt ra.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân tính đến 30/9/2021 là 2.135,22 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch vốn trung ương giao. Nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân tính đến 30/9/2021 là 617,36 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch vốn năm 2021, bằng 74% kế hoạch vốn Trung ương giao đầu năm (không tính phần phân bổ sau 235 tỷ đồng).
“Thúc” tiến độ giải ngân
Có thể nói, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, thì việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Vì khi đầu tư công phát huy hiệu quả, sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, cùng với đó là tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động trên địa bàn, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vì vậy, khi các dự án đầu tư công trọng điểm bị chậm tiến độ sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và vô hình chung tạo ra áp lực nợ công lên Nhà nước.
Do vậy, hiện nay nhiều tỉnh, thành miền Trung đang có nhiều chính sách hỗ trợ, kêu gọi đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Trong những tháng cuối năm, không khí thi công ở nhiều công trình, dự án trên địa bàn các tỉnh, thành miền Trung đang diễn ra khá tất bật, dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp khi vào mùa mưa, nhiều đơn vị thi công đang nỗ lực thực hiện nhanh nhất các hạng mục, khối lượng công trình để tăng giá trị giải ngân trong những tháng còn lại.
Tại TP. Đà Nẵng, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thành các dự án đầu tư công và thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với việc triển khai các dự án đầu tư, phấn đấu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt mức cao nhất. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, động lực trên các lĩnh vực giao thông, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp, …
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021 tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố vừa diễn ra ngày 12/10, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay sẽ sớm ban hành và đưa vào triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp về giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, công tác này được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư, quản lý dự án và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung tăng ca, dồn sức tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tiến độ thực hiện đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2021, phấn đấu đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại Quảng Nam, đầu tháng 9/2021, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị 15 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sát trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc nên việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Được biết, hiện nay tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, chủ động điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn; các dự án trước ngày 30/10 chưa đấu thầu sẽ bị cắt vốn.
Tại tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát báo cáo cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi cơ chế chính sách, thủ tục hành chính về đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, đất đai, cấp phép, khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư công, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm. Kịp thời cập nhật điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định…
Nhìn chung, nhiều tỉnh, thành tại miền Trung hiện nay đang tất bật đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, kịp thời nắm bắt xử lý những khó khăn vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công, tăng cường hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, hướng dẫn các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công.
Có thể thấy, việc tập trung đẩy nhanh thi công sau thời gian giãn cách xã hội, tục tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công tại nhiều tỉnh miền Trung sẽ là một trong những giải pháp cần được tập trung quyết liệt để bảo đảm tiến độ, sớm đưa các công trình vào khai thác sử dụng, tạo điều kiện cho việc giải ngân hết vốn đầu tư công của năm, không để kéo dài sang năm sau. Tuy nhiên, với tình hình giải ngân như hiện nay, đây vẫn là điều khó có thể thực hiện.
Thủ tục rườm rà, đề xuất sửa luật !
Có thể thấy, những vướng mắc liên quan đến chính sách, thể chế khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Vì vậy, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã liên tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này.
Theo đó, Luật Đầu tư công đang được đề xuất sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, theo quy định của Điều 25, Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ phải trình Thủ tướng Chính phủ 2 lần để xem xét, phê duyệt để đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Chưa kể nếu phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, thì lại một lần nữa trình lên Thủ tướng. Không chỉ vậy, trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phải làm một động tác là lấy ý kiến của các cơ quan liên quan và gửi lại cho cơ quan chủ quản để tiếp thu, giải trình trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, quy trình này trên thực tế chỉ phù hợp với các dự án nhóm A, là nhóm có quy mô lớn, mang tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho vay lại cao và phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ theo hiệp định được ký kết với nhà tài trợ lớn. Còn với các dự án nhóm B và C, nếu cũng phải mất 3 lần trình lên Thủ tướng như vậy thì dễ bị chậm tiến độ, không hoàn thành cam kết với nhà tài trợ dẫn đến phải gia hạn hiệp định. Chính vì vậy, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Điều 17, Điều 25 và Điều 33 của Luật Đầu tư công. Theo đó, một trong những sửa đổi quan trọng nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài…
Nguồn: https://reatimes.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-tai-nhieu-tinh-thanh-mien-trung-20201224000007628.html?fbclid=IwAR35BtkyxYRVxBSpwcxH9-LHzNCatew10UraZ66hWXoesA8MH1y7Yb0i8Eg