“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên vùng, liên ngành mang tính xã hội hóa cao. Do vậy, liên kết là nguyên lý cơ bản để phát triển du lịch bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã để phát triển, không đủ tiềm lực tạo ra hiệu ứng mạnh cho các chiến dịch quảng bá ở quy mô rộng cũng như doanh nghiệp lữ hành không thể xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nếu thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan…”
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan khẳng định như vậy tại diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021: "Lữ hành Việt Nam - Giải pháp khôi phục và phát triển" vừa diễn ra chiều nay, ngày 12/1, tại Cát Bà, Hải Phòng.
Nâng cao hiệu quả kích cầu bằng liên kết
Chính thức hoạt động được 9 năm, Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò bằng hàng loạt các chương trình kích cầu lớn. Năm 2013, lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh khách hàng xếp hàng dài, chen lấn để săn tour khuyến mại với giá chưa từng có với mức giảm tới 50-60% so với thông thường đến các điểm hot nhất như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…
Liên tiếp các năm sau đó, kích cầu mở rộng ra cả về quy mô, điểm đến, không chỉ dừng ở tour trong nước mà còn vươn ra các tour quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc… Doanh thu, số lượng khách tăng trưởng vượt bậc, nhiều sản phẩm ít ai biết đến nhờ kích cầu đã trở thành một xu thế, điểm đến hấp dẫn là minh chứng rõ nét cho những thành công mà liên minh đã làm được.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng liên minh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Lực lượng nòng cốt tham gia Liên minh tập trung chủ yếu vào các công ty lữ hành và hàng không mà chưa có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan… trong khi họ là đơn vị thụ hưởng nhiều nhất từ kết quả của việc kích cầu.
Bên cạnh đó, thời gian kích cầu ngắn, số dịch vụ theo giá kích cầu hạn chế hoặc kèm theo điều kiện ngặt nghèo; xuất hiện tình trạng phá cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như liên minh cạnh tranh với nhau thậm chí cạnh tranh trong chính các đơn vị trong liên minh; có sự lệch pha trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu giữa các bên…
“Năm 2021 xác định vẫn là năm khó khăn của ngành du lịch thì vai trò của liên minh, liên kết cần phải đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Muốn như vậy, theo tôi cần khắc phục triệt để những hạn chế trên bằng các giải pháp cụ thể”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.
Các chuyên gia của ngành du lịch cho rằng hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá là thực sự cần thiết.
“Chúng ta cần xác định du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng trong năm 2021. Khi ‘miếng bánh’ chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng. Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần”, ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, từ cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tại điểm đến, phương tiện vận chuyển cho đến công ty lữ hành, cơ quan thông tấn báo chí.
Mỗi đơn vị đều giữ những vai trò khác nhau, trong đó công ty lữ hành sẽ là trung tâm của sự liên kết vì hơn ai hết họ là người hiểu tâm lý khách hàng, hiểu thị trường nhất, là trung gian liên kết các nhà cung cấp dịch vụ cũng như chia sẻ quyền lợi giữa các bên liên quan.
Đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh
Dịch bệnh năm 2020 khiến đa số các doanh nghiệp lữ hành buộc phải giảm quy mô, hoạt động một phần, tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa và đang có xu hướng nối sang năm 2021. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp có kinh doanh mảng du lịch nội địa dễ dàng ứng phó với khó khăn hơn so với các đơn vị, bộ phận chuyển đổi từ du lịch quốc tế “inbound” và “outbound” sang du lịch nội địa trên cả phương diện quản lý, điều hành, nguồn nhân lực và hiệu quả kinh doanh.
Phương châm “linh hoạt, thích ứng và hiệu quả” đã và đang được áp dụng triệt để nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp, giữ nguồn nhân lực và tìm giải pháp. Thời điểm này, hầu hết các chuyên gia của ngành du lịch đều chung nhận định du lịch nội địa tiếp tục là thị trường chủ lực trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành năm 2021.
Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist, ông Phùng Quang Thắng cho rằng cần chuẩn bị sẵn sàng cho việc nới lỏng đi lại trong khu vực và thế giới, khôi phục du lịch quốc tế trở lại. Trong bối cảnh mới đó, doanh nghiệp lữ hành cần phải đổi mới phương thức quản lý và kinh doanh.
Theo các chuyên gia, để làm được việc đó doanh nghiệp cần tập trung vào 4 giải pháp: phát triển du lịch bền vững; tăng cường vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong phát triển du lịch cộng đồng; chuyển đổi số trong lữ hành; cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch và xúc tiến.
Trước cơn “bão COVID” hoành hành toàn cầu và những hậu quả nặng nề mà nó để lại, những người cầm trịch của ngành nhận ra chỉ có phát triển bền vững mới có thể cứu được du lịch. Và cũng chỉ phát triển theo hướng đó mới có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng, đòi hỏi ngày càng cao của du khách đồng thời phù hợp với xu thế phát triển du lịch trên thế giới.
“Việc nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về phát triển bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với các rủi ro hiện tại và trong tương lai. Nhân lực của các doanh nghiệp sẽ được nâng cao năng lực trên nhiều góc độ như: nâng cao nhận thức về du lịch bền vững, phát triển và khác biệt hóa sản phẩm du lịch bền vững, marketing du lịch bền vững, vận hành doanh nghiệp du lịch bền vững, quản trị doanh nghiệp du lịch bền vững, kiểm toán du lịch bền vững”, ông Thắng nói.
Trên thế giới, công nghệ số trong lữ hành đã được ứng dụng rộng rãi và nhiều nền tảng số đã thâm nhập vào hoạt động của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. Đáng tiếc là thực tế các doanh nhiệp lữ hành Việt đa số quy mô nhỏ và vừa chưa thực sự bắt kịp xu thế.
Do đó, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ quyết định và buộc họ nếu muốn tồn tại lâu dài cần chuyển mình với công nghệ đổi số phù hợp và hiệu quả. Bởi chuyển đổi sẽ làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cũng như hệ sinh thái giá trị doanh nghiệp.
Dù dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng tranh thủ lúc này, khi nền du lịch thế giới đang buộc phải chững lại vì COVID-19 cũng chính là cơ hội để Việt Nam kiện toàn và đổi mới lại phương thức quản lý và kinh doanh, để rồi có thể phát triển bền vững trong giai đoạn mới với nhu cầu cao hơn của du khách. Bởi du lịch đã trở thành nhu cầu thiết yếu, lập kế hoạch chuyến đã trở thành niềm vui, niềm hứng thú; đi để biết cái mới, tăng thêm niềm hạnh phúc, cải thiện sức khỏe và năng lượng… của tất cả mọi người.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/giai-phap-nao-giup-doanh-nghiep-lu-hanh-viet-vuot-kho-nam-2021-52434.html