Một xưởng may mặc tại huyện Đông Anh. Ảnh: Chiến Công

Theo Dự thảo Nghị quyết này, đối tượng áp dụng là DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người thuộc nhóm DN siêu nhỏ; DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Gọi là nhỏ nhưng những DN này đóng góp một tỷ trọng tương đối lớn trong nền kinh tế quốc gia, cũng như cho tăng trưởng, chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam. Thực tế, đa số DN ở Việt Nam là DN nhỏ và vừa, trong đó các DN càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều nước có quy định áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông như: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Brazil. Do đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đối tượng này luôn nằm trong sự ưu tiên của gói hỗ trợ.

Tại Việt Nam, nếu như từ 1/7/2013, riêng DN có quy mô nhỏ là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng, được áp dụng thuế suất 20% (sớm hơn so với lộ trình), thì từ ngày 1/1/2016 mức thuế thu nhập 20% đã áp dụng chung cho tất cả loại hình DN. Và như vậy, việc đề xuất giảm thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như trên nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ. Theo điều 10 của luật này thì DNNVV “được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”.

Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% thuế TNDN như nói trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả DN vừa, có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó, việc giảm thuế cho DN hiện tại sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập DN vào giai đoạn tiếp theo do họ có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việc xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội để quy định giảm thuế TNDN là điều mong muốn lớn nhất của cộng đồng DN lúc này. Cùng với đó, các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, nghiêm túc, hiệu quả. Thủ tục gia hạn thuế phải đơn giản, không cứng nhắc, cơ quan thuế hỗ trợ đầy đủ thông tin để việc xin giảm của DN được thuận lợi… Bởi giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020, đến nay đã giữa năm và thời gian còn lại cho năm 2020 cũng không còn nhiều. Đồng thời, các giải pháp căn cơ hơn là sớm có chính sách ưu đãi thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ (áp dụng mức thuế suất 15% hoặc 17% thay vì 20% như DN lớn), xóa bỏ rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo khảo sát mới nhất, có đến 58% DN trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn...

Theo Kinh tế & Đô thị