Hôm nay (19/6), một loạt các mức lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm từ 0,25 - 0,5% chính thức có hiệu lực. Giới phân tích dự báo sau động thái này, cơ quan điều hành sẽ bắt đầu thúc đẩy mạnh hơn hoạt động tín dụng và thanh khoản cho nền kinh tế. 

Thông tin này đang được thị trường đón nhận tích cực, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.

Tác động "kép"

Các chuyên gia phân tích có 4 lý do để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 này. Thứ nhất, Fed đã tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp trước đó nhằm kiềm chế lạm phát trong nước. Theo đó, áp lực lãi suất, tỷ giá đối với Việt Nam đã và đang giảm đáng kể. Thực tế, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã giảm 1 - 1,5% và tỷ giá USD/VND thậm chí giảm nhẹ 0,57% so với đầu năm.

Thứ hai , lạm phát dù còn cao nhưng đang giảm dần từ tháng 2/2023. Thứ ba, thị trường tiền tệ trong nước cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, nhu cầu tín dụng thấp (hết 5 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng 3,17% so với mức tăng 8,09% cùng kỳ năm trước), trong khi huy động vốn ước tăng 2%, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái).

Thứ tư, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, số liệu tháng Năm cho thấy xuất khẩu, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và sản xuất công nghiệp vẫn giảm.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, quyết định giảm lãi suất điều hành lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ “tiêm” thêm liều thuốc cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận lãi suất với mức chi phí rẻ hơn. Đây là hành động thể hiện sự chủ động của chính sách tiền tệ. "Có thể nói, chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã có sự năng động, tích cực bằng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn", ông Huân nhìn nhận.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng 6 tháng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.

“Thời gian qua, giới chuyên môn đã dự báo về việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất lần này của cơ quan điều hành nhanh hơn so với dự báo. Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng tốc độ giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ mạnh hơn, tác động lan tỏa nhanh hơn. Từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng phục hồi và phát triển kinh tế,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, đã có nhiều kỳ vọng cuối năm nay lãi suất trong nền kinh tế sẽ giảm về mức cuối năm 2019, nhưng với tốc độ giảm lãi suất điều hành như thời gian qua thì có thể đến hết quý 3, lãi suất sẽ giảm về mức này, hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.
Việc giảm lãi suất trần cho vay cũng đã được các doanh nghiêp đón nhận rất tích cực. Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế Delta nhận định, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lần thứ tư liên tiếp chắc chắn sẽ kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống, từ đó chi phí vốn vay của doanh nghiệp sẽ được giảm. Đặc biệt, đây là giảm lãi suất điều hành, không phải một vài ngân hàng giảm lãi suất đơn lẻ, điều này sẽ giúp tất cả các doanh nghiệp cùng hưởng lợi.

“Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng của chúng tôi là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh. Đây có thể coi là một tác động kép tới nền kinh tế,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.

“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Không chủ quan với lạm phát

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp tại Đại học Fulbright đánh giá dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần nhưng vẫn chưa đủ tác động đến nền kinh tế vì chi phí vốn của ngân hàng vẫn còn cao, có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn.

“Bên ngoài áp lực tỷ giá giảm, bên trong lạm phát cũng đã qua đỉnh. Động thái tiếp theo của các nhà điều hành là phải bơm thêm tiền ra và giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế,” ông Thành cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không chủ quan nhưng cũng không quá quan ngại với lạm phát. Áp lực lạm phát của Việt Nam vẫn còn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế - giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn…

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng cũng không quá quan ngại do lạm phát và giá cả toàn cầu đang giảm, tỷ giá ổn định, sức cầu còn yếu, vòng quay tiền còn chậm. Mặc dù vậy, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác nhằm chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia cảnh báo mặc dù lãi suất giảm nhưng không thể chủ quan với lạm phát. (Ảnh: Vietnam+)
Các chuyên gia cảnh báo mặc dù lãi suất giảm nhưng không thể chủ quan với lạm phát. (Ảnh: Vietnam+)

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát (lạm phát cơ bản hiện vẫn khá cao, bình quân 5 tháng đầu năm là 4,83%) trong bối cảnh lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao. Hiện các ngân hàng Trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết gỉam chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhìn nhận giảm lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng "mở khóa" tín dụng, lưu thông dòng tiền, phục hồi tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực, song chính sách tiền tệ không thể "vỗ một bàn tay". 

Theo các chuyên gia, điều cần làm hiện tại là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính sách tài khóa, kích cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, lãi suất có giảm sâu mà doanh nghiệp, người dân không có nhu cầu thì họ cũng không vay vốn. Trong lúc này, giải pháp cần thiết nhất là phải đẩy nhanh đầu tư công để tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế./.

Theo Reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/giam-lai-suat-lan-thu-4-lieu-thuoc-huu-hieu-cho-nen-kinh-te-20201224000020276.html