Hội thảo được tổ chức bởi Phòng Thương mạiCông nghiệp Việt Nam (VCCI).

Với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Công nghệ Sendo cho biết, đã có 10 triệu sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo, cùng với đó là 3 tỷ lượt truy cập, 55 triệu đơn hàng, 150 triệu người dùng ghi nhận trong năm 2020.

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử
Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử đã đồng thời tạo ra các tranh chấp phát sinh trong quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể tham gia hoạt động này.

Không chỉ Sendo, các sàn thương mại điện tử khác tại Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Sách Trắng thương mại điện tử năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô khoảng 15 tỷ USD. Ông Phạm Ngọc Vinh, Trưởng phòng Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng thương mại điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro lẫn thách thức đối với tất cả các bên liên quan.

Theo đó, sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ người cung cấp (người bán), đồng thời kiểm soát chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện trên sàn của mình.

Nhà cung cấp sẽ chịu rủi ro khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi sàn cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng; rủi ro về vấn đề thanh toán, quảng cáo, khuyến mại. Cùng với đó là khả năng liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa sai sót, lỗi trong quá trình giao dịch giữa sàn và người tiêu dùng.

Còn người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ về lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng; rủi ro trong vấn đề thanh toán; thiếu hoặc không có thông tin chính xác về người cung cấp, DN cung cấp hàng hóa để khiếu nại khi việc giao nhận, hủy đơn hàng không đúng theo cam kết ban đầu…

Hội thảo thương mại điện tử
Những ý kiến tham góp tại Hội thảo lần này đều hướng tới việc chúng ta cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động thương mại điện tử.

Chính những rủi ro trên có thể dẫn đến những tranh chấp thương mại trên các sàn. Để giải quyết vấn đề này, có hai hình thức mà DN có thể sử dụng đó là thương lượng hoặc hòa giải. Đối với hình thức thương lượng, các bên có quyền tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.

Đối với hình thức hòa giải, các bên giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian để hỗ trợ tìm phương án giải quyết. Trong đó, kết quả thương lượng không có tính ràng buộc các bên, ngược lại, kết quả hòa giải thành được các bên tự nguyện thi hành, buộc yêu cầu công nhận tại tòa án và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Chính vì vậy, phương thức hòa giải được coi là biện pháp hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp có xảy ra khi giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Từ đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại điện tử để có thể phát triển lĩnh vực này xứng với tiềm năng.

Theo Nguyễn Đăng/Phapluatxahoi.vn

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/giao-dich-truc-tuyen-va-nhung-van-de-ve-phap-ly-quan-trong-trong-giao-dich-235226.html?fbclid=IwAR0KYHewdPHYenHQ78R3ZAeP66Dhh7xSilRCwmdgN3dc7UKg38rWZTXGf8k