Ai cũng có thể trở thành “bác sĩ” tiêm filler?
Sau 4 năm học đại học, N.P.T (24 tuổi), cô gái xinh xắn quê gốc Hưng Yên cầm trong tay tấm bằng kế toán đỏ chót, nhưng cô lại quyết định hướng cuộc đời mình sang một ngã rẽ khác hoàn toàn mới, đi học “làm đẹp”, mở spa.
Theo N.P.T, sinh viên kế toán mới ra trường lương “bèo bọt” không đủ để chi trả cuộc sống ở Hà Nội, bố mẹ lại thương con gái nên khi nghe cô tâm sự muốn đi học làm đẹp họ đồng ý ngay. Đơn giản vì nghề này đang hot, lại “hái ra tiền”.
“Em đang đi học một lớp làm đẹp 6 tháng tại một thẩm mỹ viện khá nổi tiếng ở Hà Nội với giá 100 triệu đồng. Mới học được 3 tháng nhưng em cũng nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc da, matxa… và một số thủ thuật đơn giản như tiêm filler. Em đã tiêm cho 3 khách và thấy khá ok”, N.P.T nói.
Theo cô gái này, học viên ở đây đều là “người ngoài”, học ngành khác, làm nghề khác, vì thấy kinh doanh làm đẹp đang hot và dễ kiếm tiền nên họ đổ xô đi học. Dù không được học bài bản chính quy ngành y, nhưng N.P.T lại rất tự tin khoe rằng: “Em thấy học cũng không quá khó, như tiêm filler, ai không sợ tiêm thì đều làm được. Nó cũng không nguy hiểm, chỉ cần tránh một số chỗ cấm kỵ mà thôi. Nên chỉ cần học xong tiêm tại nhà cũng ra tiền”.
Hot girl Vân Anh đăng cả chất làm đầy còn sót lại sau 4 năm tiêm filler trên Facebook để cảnh báo mọi người trước khi sử dụng dịch vụ phải tìm hiểu kỹ.
Cách đây không lâu, chúng tôi có đăng một bài viết cảnh báo về việc tiêm filler của hotgirl Nguyễn Vân Anh gây sốt mạng xã hội. Trên Facebook cá nhân có tên Vân Vân Nguyễn (Vanie), cô nàng này đã viết một bài chia sẻ về những hậu quả phải gánh chịu do tiêm filler ở một cơ sở không uy tín 4 năm về trước. Cằm của cô đã bị sưng đỏ suốt 6,7 tháng và dù đã được bác sĩ xử lý hết chất làm đầy thì cô vẫn phải mất 6 tháng trở đi cằm mới bình phục lại hoàn toàn.
Theo như Vân Anh chia sẻ, cô cũng là người đi học tiêm filler và đã tiêm cho khách tại nhà, nhưng sau sự việc này cô thấy sợ và từ bỏ việc theo đuổi công việc này.
Cơn sốt tiêm filler
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV đã tìm hiểu và thấy rằng, vài năm gần đây, tiêm filler trở thành cơn sốt mới trong giới làm đẹp bởi những lời quảng cáo như: “không cần mổ xẻ, không đau, không rạch, không khâu vá”, “quạ cũng có thể biến thành công sau vài phút”...
Minh chứng cho điều đó là gần như toàn bộ các trung tâm thẩm mỹ viện, spa chuyên làm đẹp ở Việt Nam đều có dịch vụ tiêm filler tại chỗ. Tiêm filler như một phương pháp làm đẹp "đa di năng", từ việc làm thon gọn cằm, nâng mũi, làm đầy má hóp...
Ngoài ra, cách dễ thấy nhất độ hot của nó là chúng ta gõ 2 chữ “tiêm filler” trên Facebook, nó sẽ hiện ra một loạt tên của những cô nàng hotgirl đang quảng cáo cho phương pháp làm đẹp này. Với hình ảnh, video bắt mắt, ấn tượng là những cô nàng trở nên xinh đẹp như hoa hậu sau khi qua “bàn tay vàng tiêm filler” của họ, các cô gái này đã chèo kéo được rất đông khách đến thực hiện. Có người còn công khai đăng tuyển cả học viên lẫn mẫu để tiêm thực hành.
Quảng cáo tiêm filler "rẻ như cho" trên Facebook
Hay chỉ với 0,23 giây sau khi gõ từ khóa “tiêm filler” trên công cụ tìm kiếm Google, bạn sẽ nhận ngay được ngay khoảng 636.000 kết quả. Mọi thông tin về tiêm filler là gì; có những loại nào; tiêm ra sao, hiệu quả như thế nào, ngay cả hậu quả, cảnh báo về tiêm filler cũng không hề thiếu.
Như vậy, do lợi nhuận của ngành làm đẹp mang lại đã khiến cho nhiều người đổ xô đi học tiêm filler, bất chấp việc không có chuyên môn có thể gây hậu quả khôn lường cho khách hàng.
Người trong nghề nói gì?
Theo bác sĩ Bùi Bạch Dương, người phụ trách Phòng khám Chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bùi Bạch Dương (Quán Thánh, Hà Nội), những năm đầu, khi tiêm filler mới vào Việt Nam thì còn ít người biết và thực hiện. Nhưng hiện nay, các cơ sở làm đẹp quảng cáo quá rầm rộ với những công năng, hiệu quả “thần kỳ” khiến nó ngày càng phổ biến và hot.
“Hiện nay, nhiều người không được học bài bản, chuyên khoa cũng đi tiêm cho khách. Họ không hiểu gì về y học nhưng lại được khen ngợi và tung hô hơn cả những người trong ngành. Thật lạ đời”, bác sĩ Dương bức xúc nói.
Bác sĩ Bùi Bạch Dương cho biết, tiêm filler là một thủ thuật đơn giản nhưng nó cũng có thể gây ra những hậu quả xấu nên việc tiêm này cần người có chuyên môn, kỹ thuật và học hành bài bản.
“Tôi đã xử lý rất nhiều ca tiêm bị biến chứng, họ là khách hàng và đôi khi lại chính là người cầm kim tiêm. Nhưng khi hỏi ra mới biết, tất cả đều được làm bởi những người không có chuyên môn hoặc tự đi học rồi tiêm ở nhà. Tình trạng này rất tệ hại”, bác sĩ Dương nói.
Cũng theo vị bác sĩ này, người tiêm phải hiểu trên khuôn mặt có bao nhiêu mạch máu, bao nhiêu dây thần kinh, chúng nằm ở đâu, chỗ nào được tiêm, chỗ nào không. Cấu trúc nơi cần tiêm như thế nào? Khi tiêm filler phải nắm được chất mình tiêm là chất gì vì hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại filler. Trán, mặt, cằm, môi, mũi… thì phải tiêm loại nào, chứ không phải cứ tiêm chồng chéo là xong.
“Quan trọng này là phải nắm rõ cấu trúc khuôn mặt, nhất là các mạch máu. Vì không có gì khốc liệt bằng tiêm phải mạch máu. Nó có thể gây mù mắt, tắc võng mạc,tắc các mạch dưới da gây hoại tử vùng tiêm”, bác sĩ Dương chia sẻ.
Vị bác sĩ này cũng đưa ra lời khuyên cho những ai có muốn làm đẹp, tiêm filler nên tìm đến bệnh viện có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc các cơ sở spa, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ uy tín, được cấp phép, nơi có các bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo việc làm đẹp được thành công, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Còn theo bác sĩ Bạch Minh Tiến - Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, vấn đề tiêm filler cũng đã được cảnh báo tương đối nhiều song việc kiểm soát thực sự là khó, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới. Các thủ thuật tiêm filler tương đối đơn giản nên tình trạng làm ngoài, làm chui, không có chứng chỉ rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Bạch Minh Tiến - Trưởng khoa Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.
Khi nói về hậu quả có thể xảy ra của việc tiêm filler, bác sĩ Tiến chia sẻ quan điểm rằng, cũng không phải do người tiêm không biết về chuyên môn mà gây ra hậu quả, mà thủ thuật này có thể gây ra những xác suất không như mong muốn. Đôi khi chính các bệnh viện cũng có thể xảy ra các ca biến chứng.
“Việc tiêm filler cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn, ở những cơ sở uy tín để giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra. Còn nếu như người thực hiện không nắm vững về mặt kỹ thuật, không nắm vững về mặt giải phẫu thì khi tiêm cho khách sẽ dễ dẫn tới những hậu quả xấu như mù mắt. Trường hợp này hiếm, nhưng không có nghĩa là không có”, bác sĩ Tiến chia sẻ.