Đền Hùng 

Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng - quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh. Đây là nơi thể hiện sự thiêng liêng, các Vua Hùng đã xây dựng nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của dân tộc ta. Ngoài ra, nó còn gắn liền với truyền thuyết các Vua Hùng, các nàng công chúa Tiên Dung, Mị Nương và hoàng tử Lang Liêu với sự tích bánh chưng, bánh giầy.

Từ xa nhìn lại, núi như đầu một con rồng lớn đang uốn lượn trong mây trời và những đồi núi xung quanh như đàn voi đang chầu về đất Tổ. Không phải bỗng dưng Vua Hùng lại chọn vùng đất này để định đô, dựng nước, bởi nơi đây hội tụ khí thiêng của đất trời, sông núi, nơi muôn cây, vạn vật đều chầu về.

Đến đây, du khách nên khám phá Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, chùa Thiên Quang, Đền Giếng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân… Trong đó có khu Đền Quốc tổ Lạc Long Quân mới được xây dựng, có thế “sơn chầu thủy tụ” vô cùng đắc địa.

Ngoài ra, đến Đền Hùng vào chính hội (ngày 10/3 âm lịch), du khách sẽ được hòa mình vào những nghi thức, tinh thần hướng về cội nguồn của một lễ hội được nâng tầm quốc lễ.

Đền Mẫu Âu Cơ 

Đền mẫu Âu Cơ là nơi thờ Mẹ Âu Cơ, được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị cao với các kết cấu kiến trúc đền chùa cổ, các pho tượng quý như tượng Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá. Khu vực đền là một mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài khoảng 200m và chiều rộng khoảng 150m với tường cao bao quanh.

Đây là khu đền thiêng nên người dân khắp nơi trên cả nước vẫn thường đến đây để cầu xin lộc tài, công danh sự nghiệp.

Vườn quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn  nằm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và cách thành phố Việt Trì 80 km, cách Hà Nội 120 km. Điểm đặc trưng của Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha) và nó được đánh giá là rừng có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan.

Khi đến Xuân Sơn du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những hang động động kỳ thú như: Hang Na, Hang Lạng, Hang Lun, hang Thiên Nga, hang Thổ Thần với nhiều cảnh đẹp hoang dã, mát mẻ, gần gũi với con người nhưng không kém phần kỳ ảo, huyền bí.

Ngoài ra, nơi đây còn giữ được khá nhiều nét văn hóa, cuộc sống nguyên sơ, dung dị, những tập tục độc đáo nên du khách sẽ có nhiều cơ hội được trải nghiệm và mua sắm đồ vật ý nghĩa làm quà cho bạn bè, người thân.

Khu du lịch Nước khoáng nóng Thanh Thủy

Nằm ở địa phận xã La Phù, huyện Thanh Thuỷ và cách Hà Nội 65 km về phía Tây Bắc, chỉ cách Hà Nội khoảng 1 giờ lái xe, khu du lịch Nước khoáng nóng Thanh Thủy là một điểm lý tưởng cho du khách thư giãn cuối tuần dù là mùa hè hay mùa đông.

Khu vực này có mạch nước khoáng nóng chảy ngầm trong lòng đất, nhiệt độ trung bình của dòng khoáng nóng ở đây từ 35 - 60 độ C. Nguồn khoáng nóng được khai thác từ độ sâu gần 100m, nước chứa nhiều hàm chất vi lượng như natri, canxi, magiê, đặc biệt có chứa nhiều hàm chất radon - một loại nước radon quý hiếm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh.

Sau khi tắm xong, du khách còn được thưởng thức những đặc sản vùng núi như dê, cá, gà,… Những năm gần đây do nhu cầu nghỉ dưỡng, dã ngoại cuối tuần phát triển mạnh nên khu vực này đã xây dưng nhiều resort, khách sạn để phục vụ du khách.

Những món ăn nhất định phải thưởng thức khi đi dự Lễ hội Đền Hùng 

Đến với Phú Thọ, du khách chớ bỏ qua cơ hội để được thưởng những những món ăn hấp dẫn và là đặc sản của nơi đây như:

Thịt chua Thanh Sơn

Đây là món ăn đã trở thành thương hiệu cho vùng đất Tổ. Bằng những bí quyết gia truyền, ngày nay, người Thanh Sơn đã phát triển món ăn này nổi tiếng khắp toàn quốc với cách thức ăn rất độc đáo, với lá sung, đinh lăng, chấm thêm tương ớt cay tạo nên hương vị rất riêng.

Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt lợn sạch, thính và gia vị. Sau khi được sơ chế sạch sẽ, thịt sẽ được thái thành miếng mỏng, dài bằng 2 đốt ngón tay rồi trộn với thính, gia vị, rồi đem ướp trong vài ngày đến khi chín tự nhiên rồi đem ra dùng.

Cơm nắm lá cọ

Là đặc sản của đất Phù Ninh - vùng quê nổi tiếng với cây cọ và các sản phẩm từ cọ như nón lá, mành treo, mành cọ.

Cơm nắm lá cọ được chế biến từ gạo nấu chín, sau đó sẽ được xới ra, nắm tròn, lăn kĩ. Tiếp đó, cơm sẽ được lăn qua tàu lá cọ, nhưng đặc biệt phải là lá cọ còn non. Cơm nắm lá cọ thường được ăn cùng muối vừng, muối lạc, sườn lợn rang muối,…

Bánh tai

Bánh tai hay bánh tai heo là một món ăn được rất nhiều người dân Phú Thọ ưa thích. Sở dĩ món này được gọi là bánh tai heo bởi hình dáng của bánh cong cong, thuôn dài giống như một chiếc tai heo.

Nguyên liệu để làm ra món ăn này bao gồm: Gạo tẻ, thịt lợn và một số gia vị đơn giản. Cách làm bánh cũng đơn giản, gạo tẻ được xay ra thật mịn, sau đó được nhào thành bột và tạo thành những cục bột nhỏ; thịt lợn được tẩm các loại gia vị, được bọc trong hỗn hợp gạo tẻ; sau đó được tạo thành hình như chiếc tai heo rồi đem đi hấp. Như thế là đã ra một chiếc bánh tai heo đúng chuẩn hương vị Phú Thọ.

Theo Nguyễn Chiêm/Đô thị mới