KOC - Dễ làm, dễ kiếm tiền nhưng không đơn giản
Trước khi trở thành một KOC cần phải là một KOL (Key Opinion Leader - được hiểu là những người có sức ảnh hưởng, có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội). Những ý kiến của các KOL đưa ra phải có sức nặng và mang tính chia sẻ kiến thức. Từ lượng công chúng theo dõi ban đầu, KOL chuyên nghiệp chuyển thành KOC một cách dễ dàng với công việc thu hút tiêu dùng, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những đánh giá, nhận xét.
Tuy nhiên, cũng có những KOC không phải là một KOL ban đầu, họ xây dựng lượng người theo dõi bằng cách "cho đi trước, nhận lại sau", tức là sản xuất các video, vlog giải trí hay chia sẻ kiến thức trước lên tài khoản TikTok cá nhân. Sau khi đã thu hút được lượng công chúng nhất định, các TikToker sẽ nhận được lời mời hợp tác từ các nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm... để review sản phẩm và thu hút người tiêu dùng.
Mạng xã hội phát triển, internet có mặt mọi lúc mọi nơi, người người dùng smarphone, ai cũng có thể dùng điện thoại quay video đăng tải lên nền tảng số được nhưng không phải ai cũng tham gia vào mạng lưới KOC hay trở thành KOC. Sở dĩ, một người làm review uy tín phải xác định được thế mạnh sáng tạo nội dung của mình, có các nội dung thể hiện sự đột phá riêng của bản thân hay có chiến lượng quảng bá hiệu quả. Phát triển trong thời đại công nghệ số, nhiều bạn trẻ đã thử sức và có hứng thú với công việc làm review sản phẩm trên TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác.
Công việc này có thu nhập không giới hạn, tùy vào mức độ hiệu quả ứng với tiêu chí mà nhãn hàng đưa ra sẽ nhận mức lương tương ứng. Có những KOC lương trên 100 triệu/tháng, nhưng cũng có bạn chỉ vài triệu/tháng. Nhưng dù với mức lương nào thì công việc này cũng đã tạo điều kiện kiếm tiền cho những bạn trẻ thất nghiệp mùa dịch và tạo ra một xu hướng việc làm mới của Gen Z trong tương lai.
Nguyễn Thanh Tâm, một KOC chuyên nghiệp cho biết, cô gắn bó với công việc đánh giá sản phẩm từ khi học cấp 3, tính đến nay đã 5 năm và đã có những thành công nhất định. “Khi làm công việc này, một số nhãn hàng luôn muốn mình chia sẻ về 10 điểm chất lượng đến người xem nhưng thực tế sản phẩm chỉ đạt khoảng 7 điểm chất lượng. Đây là một "cái khó" nởi nếu phóng đại chất lượng sản phẩm tới người xem sẽ gây ảnh hưởng đến hành động mua bán, kết quả sử dụng sản phẩm không như mong muốn. Về lâu dài sẽ bị mất dần lượng người theo dõi và kéo theo ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hàng tháng của bản thân. Nếu không làm theo yêu cầu thì đương nhiên là không có tiền…”.
Trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó trước khi trở thành một KOL
PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN chia sẻ: "Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và tiếp thị số, KOL đang trở thành một nghề hái ra tiền vì hiện rất nhiều thương hiệu lớn muốn tận dụng sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng của các KOL để quảng bá sản phẩm, định hình xu hướng, đưa các sản phẩm, dịch vụ của họ đến với khách hàng mục tiêu nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Theo tôi, bản thân KOL cũng là một nghề thỏa mãn rất nhiều nhu cầu tâm lý của giới trẻ hiện nay. Giới trẻ hiện nay tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, thoải mái thể hiện cá tính, tự do ngôn luận. Họ sống tôn trọng đam mê của mình hơn và ai cũng bị ám ảnh bởi diện mạo bên ngoài và mong muốn có được sự chú ý của người khác. Với những lợi ích mà doanh nghiệp có thể khai thác từ nhận xét trực tuyến, có một thực tế là trong những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng đăng nhận xét giả (fake reviews) để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng.
Nhận xét giả thường là những nhận xét tích cực về sản phẩm/dịch vụ mục tiêu hoặc tiêu cực về sản phẩm/dịch vụ cạnh tranh. Tình trạng một số nhãn hàng, nhà sản xuất thuê các KOC nhận xét không khách quan về sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng người tiêu dùng gặp khó khăn khi đưa ra quyết định mua sản phẩm/dịch vụ. Tình trạng này xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, blog và mạng xã hội.
"Nhưng với tôi, con đường bền vững là học để trở thành chuyên gia, trở thành người xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó trước khi trở thành một KOL. Khi đó, những kiến thức và những điều bạn chia sẻ có độ tin cậy và đảm bảo giá trị khoa học, không gây hại cho cộng đồng. Trở thành KOL, chúng ta phải bán cái chúng ta giỏi nhất chứ không phải bán cái chúng ta hoàn toàn mù mờ. Điều này sẽ dẫn đến những scandal tai hại như việc nhiều nghệ sỹ quảng bá thực phẩm chức năng giả hay dịch vụ sinh trắc vân tay ngụy khoa học để hướng nghiệp do thiếu hiểu biết", chuyên gia Trần Thành Nam nói thêm.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, để trở thành KOL bền vững, bạn cần liên tục cập nhật kiến thức từ các ngành và lĩnh vực khác, nâng cao năng lực công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo đổi mới.
Nguồn: https://baodansinh.vn/gioi-tre-voi-nghe-trai-nghiem-san-pham-20220324203626.htm