Thế khó của ngân hàng và doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội ngày 13/11, đại diện NHNN cho biết, tính đến 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Riêng lĩnh vực bất động sản, tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tập trung cho vay đối với phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hồi đầu tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm, còn khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng cần được giải ngân trong hai tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%/năm. Chưa bao giờ ngành ngân hàng lại rơi vào tình trạng không cần nới room tín dụng như hiện tại.

Đặc thù của các dự án bất động sản là cần vốn lớn và dài hạn. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Mặc dù các ngân hàng cũng khá nóng lòng tìm kiếm khách hàng, các doanh nghiệp rất cần vốn, nhưng trước sức ép đảm bảo các yêu cầu về an toàn tín dụng, thế khó này không dễ tháo gỡ.

Chưa kể, từ ngày 1/10/2023, các ngân hàng buộc phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống 30%, theo lộ trình quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN. Doanh nghiệp bất động sản đã khó lại càng khó hơn, vì đặc thù của các dự án là cần vốn lớn và dài hạn.

Trước thế khó của doanh nghiệp và ngân hàng, chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, tình trạng ứ đọng vốn sẽ khiến ngân hàng đối mặt với rất nhiều vấn đề. Khi nguồn vốn huy động vào lên tới hàng chục triệu tỷ đồng, thậm chí có những giai đoạn ngân hàng phải huy động tới mức lãi suất cao lên tới 10 - 12%/năm mà không cho vay được thì ngân hàng sẽ phải chịu lỗ. Hơn nữa, trên 50% thu nhập của các ngân hàng đến từ cho vay tín dụng, mà không giải ngân được thì chắc chắn doanh thu của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng.

Cũng trong thời gian qua, khi tín dụng không tăng được thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng cũng tăng lên. Vô hình trung, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp để xử lý các khoản nợ xấu, như trích lập dự phòng rủi ro hay hàng loạt các biện pháp khác của các ngân hàng khiến chính họ rơi vào “vòng xoáy”, ảnh hưởng đến hoạt động, quy mô, thu nhập cũng như tăng rủi ro cho các ngân hàng.

“Nếu như năm 2022, các bên liên quan đều tập trung vào việc hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, thì sang năm 2023, cho đến thời điểm này, tín dụng mới tăng hơn 7%, chỉ đạt phân nửa mục tiêu 14-15% đặt ra hồi đầu năm. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã phát hành tín phiếu quy mô lớn để hút bớt tiền về. Nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn”, TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra.

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, có đến 50% các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong suốt hàng chục năm qua chưa thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng.

Hơn nữa, trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không đủ các điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, kể cả khi họ chấp nhận mức lãi suất tương đối cao. Ví dụ như bởi doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp, đặc biệt là lịch sử tín dụng có nợ xấu hay không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Quyết liệt giải bài toán tiền “vừa thừa, vừa thiếu”

Trao đổi tại Hội nghị tín dụng bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Phó Tổng giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cho biết đã làm việc với doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, hợp tác sâu, tham gia cùng khâu thẩm định dự án. Hiện lãi suất đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Ngoài ra, Techcombank cũng thực hiện nhiều giải pháp tài chính đa dạng như cho vay vốn lưu động, tài trợ...

Đại diện Techcombank kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản huy động vốn. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm.

Ghi nhận thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động và thông qua đó cũng giảm được lãi suất cho vay, TS. Vũ Đình Ánh đánh giá, chính sách của Việt Nam tương đối ngược chiều so với nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, các thành phần trong nền kinh tế cũng được hỗ trợ. Tuy tốc độ giảm lãi suất cho vay không thể nhanh được giống như giảm lãi suất huy động, hay các lần giảm lãi suất điều hành, nhưng mặt bằng lãi suất về dưới 10% đã tương đối hợp lý.

Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Vũ Đình Ánh. (Ảnh: Tùng Dương/ Reatimes)

Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh vẫn đề xuất các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm 2023.

Đặc biệt, chỉ giảm lãi suất chưa đủ, mà phải làm sao tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn tín dụng, tránh tình trạng thừa tiền nhưng doanh nghiệp thiếu vốn.

Để giải bài toán tiền “vừa thừa, vừa thiếu”, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, có rất nhiều việc phải làm, trước hết là tăng khả năng hấp thụ vốn, để doanh nghiệp phục hồi hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, từ đó nhu cầu vay vốn mới tăng lên.

Thứ hai, các ngân hàng thương mại phải rà soát lại các danh mục khách hàng, kể cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, để tạo điều kiện giải ngân tốt nhất cho những khách hàng mà họ đánh giá là đáp ứng đủ các điều kiện, chỉ vướng mắc một số vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục.

Đối với doanh nghiệp chưa chi trả được nợ nhưng vẫn có nhu cầu vay, các ngân hàng nên xử lý vấn đề liên quan đến lịch sử tín dụng. Theo đó, cần xem xét các khoản nợ đến hạn nhưng chưa được thanh toán do doanh nghiệp đang khó khăn, để làm sao giảm bớt những điều kiện, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.

Thứ ba, đã đến lúc phải rà soát lại các quy định để làm sao giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ trọng trên 90% trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp, có thể tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, căn cứ vào các quy định pháp luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn. 

Quan trọng là tái cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng theo hướng lành mạnh, bền vững và đáp ứng được đúng nhu cầu của các doanh nghiệp.

“Rõ ràng việc dung hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp là điều mà chúng ta cần phải làm ngay”, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định./.

 

Yên Chi

Nguồn: https://reatimes.vn/go-the-kho-cho-ngan-hang-va-doanh-nghiep-20201224000023760.html