Trong chính sách của Google có khoản khi người dùng đã tắt Location History thì những địa điểm bạn đã đến sẽ không còn được lưu lại. Tuy nhiên, không phải như vậy, cho dù người dùng đã tắt Location History nhưng bằng cách kích hoạt một số cài đặt Google Maps vẫn có thể bí mật theo dõi những địa điểm bạn đã đến.
Phát hiện ra điều này, người đàn ông có tên là Napoléon Patacsil sống tại San Diego đã gửi đơn khởi kiện Google tới Tòa án Liên bang tại San Francisco.
Trong đơn khởi kiện, luật sư của người dùng này đã viết: “Google đã thu thập vị trí của người dùng hệ điều hành và các ứng dụng khác của mình bằng cách kích hoạt một số cài đặt. Việc thu thập này được thực hiện ngay cả khi người dùng đã ngăn chặn bằng cách tắt dịch vụ định vị trên máy”.
Điều này không chỉ vi phạm chính sách của Google đã đưa ra mà còn có thể vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư và Hiến pháp tiểu bang California.
Trước đó, hồi tháng 5 Google cũng đã bị người dùng kiện và đòi bồi thường 3,7 tỉ USD vì vi phạm các quy định mới về bảo mật và dữ liệu tại châu Âu.
Tháng 11 năm ngoái trang Quartz cũng đã phát hiện người dùng dùng Google trên hệ điều hành Android bị theo dõi vị trí cho dù họ đã tắt định vị.
Năm 2012, qua các cookie hoặc quảng cáo trên trình duyệt Google đã theo dõi người sử dụng trình duyệt Safari trên Apple và sau đó hãng này phải trả 22,5 triệu USD tiền phạt vì xâm phạm quyền riêng tư.
Trong suốt 20 năm hoạt động, Google không ít lần bị khởi kiện và bị phạt vì đã xâm phạm quyền riêng tư, theo dõi người dùng. Tuy nhiên, sau những vụ kiện cùng hàng triệu USD bồi thường dường như những vụ “bê bối” của công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới này vẫn nối gót nhau.