Qua sự việc một số tờ báo đã phản ánh về tình trạng ở Hà Nội có một số điểm mà các tài xế công nghệ không dám đến đón khách như bến xe buýt của tòa nhà Tân Hoàng Minh (trên đường Khuất Duy Tiến - Hà Nội); cổng chính của Bệnh viện Nhi Trung ương. Các tài xế motor công nghệ còn ví von những điểm này là “điểm đen” khi đón khách. Sở dĩ các tài xế nói như vậy là vì khi đến đây đón khách họ thường bị dọa nạt, thậm chí là bị đánh cảnh cáo…
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo Lao Động, đại diện Grab cho biết đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo và bảo vệ an toàn cho đối tác tài xế trong quá trình hoạt động đúng như tiêu chí vận hành của Grab. Vì vậy, đơn vị này luôn thực hiện những biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn và chủ động trang bị cho đối tác những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để đối phó trong trường hợp bị tấn công, hành hung và các rủi ro khác, bắt đầu ngay từ khi đối tác tham gia huấn luyện đầu vào.
Ngoài ra, Grab cũng tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng phòng vệ để trang bị cho đối tác cách nhận diện rủi ro, các kỹ năng phòng vệ cơ bản và thực hành ứng phó các tình huống nguy hiểm trong quá trình hoạt động với các võ sư chuyên nghiệp.
Grab cũng luôn cảnh báo với các tài xế hạn chế đón khách tại các khu vực "nóng", nơi thường xuyên xảy ra các vụ việc hành hung, cung cấp cho đối tác địa chỉ và số điện thoại khẩn cấp của công an khu vực để trình báo khi có sự cố xảy ra. Tránh lưu thông tại các khu vực vắng người vào những khung giờ tối. Đối với các đối tác hoạt động trong khung giờ từ đêm trở về sáng, hạn chế nhận những chuyến xe có điểm đến ở ngoại thành hoặc phải vào sâu trong hẻm vắng.
Khi sự cố xảy ra, đối tác cần ngay lập tức trình báo cho Cơ quan Công an gần nhất và thông tin đến Grab để chúng tôi nắm tin và có hướng hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, đối tác còn được Grab hỗ trợ luật sư, trình báo công an khu vực xảy ra sự cố để công an tiếp nhận, xử lý. Tùy trường hợp, đối tác cũng có thể được Grab hỗ trợ thu nhập trong thời gian nghỉ dưỡng thương.