Grab thấy chưa, Tôn Ngộ Không cũng chào thua! Một vấn đề tưởng chừng Tôn Ngộ Không cũng không giám định được thì tòa nhà mình lại bấm quyết ra được. Không hiểu còn hàng trăm hãng taxi truyền thống khác, cùng với án lệ này, liệu có “tát nước theo mưa” kiện ra tòa để nổi danh không nhỉ?
Sau nhiều năm kiện cáo và tranh tụng, hôm 10/3 vừa qua, TAND cấp cao TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại giữa Vinasun và Grab đã tuyên y án sơ thẩm: Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
Cách đây khoảng 2 năm, khi được biết phiên tòa sơ thẩm khi ấy được hoãn lại, tôi đã viết một bài trên Reatimes với một tựa đề có phần chua ngoa một chút, đó là: Nhân vụ kiện giữa Vinasun và Grab, “Tôn Ngộ Không cũng không giám định được!”.
Khi ấy, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng và khẳng định có đủ cơ sở xác định đây là số thiệt hại, kinh doanh lỗ lã do Grab gây ra khi cạnh tranh trên thị trường, khiến lượng khách hàng của Vinasun sụt giảm.
Khi đó, tôi liền đặt ra câu hỏi: Tại sao con số thiệt hại kia là 41,2 tỷ đồng mà không phải là 51,2 tỷ hoặc 31,2 tỷ?
Để có được con số cụ thể tất nhiên phải được tổ hợp từ nhiều con số cụ thể khác. Chẳng hạn, Vinasun bị thiệt hại trên thị trường taxi bao gồm kết quả nghiên cứu cho thấy có 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của Công ty Cửu Long, số lượng xe của Grab gần 13.000 xe. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân TP.HCM chấp nhận toàn bộ yêu cầu được bồi thường của Vinasun.
Nếu ai có một chút kiến thức về kinh tế thị trường thì sẽ dễ dàng thấy rằng, một ngành dịch vụ khi suy giảm lượng khách hàng có rất nhiều nguyên nhân, hoặc là do sự quản trị nội tại của doanh nghiệp đó yếu kém, không theo kịp nhu cầu của cuộc sống; hoặc là do các đối thủ cạnh tranh tạo ra những ưu thế mới có lợi cho khách hàng; hoặc là do nhu cầu trải nghiệm của khách hàng đối với mặt hàng mới hay dịch vụ mới đó...
Tôi cho rằng chỉ với 3 nguyên nhân trên đây, con số 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab, và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật của Grab, thì hoàn toàn không thuyết phục một chút nào. Và xin lỗi, kể cả giả sử có Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa cũng không thể giám định chính xác đến từng con số (tựa như 41,2 tỷ đồng kia) về sự ảnh hưởng của các yếu tố này đến hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
Tiếp nữa, Viện kiểm sát đã không chuẩn chỉ khi cáo buộc rằng, Grab không đơn thuần là đơn vị kết nối, bán phần mềm và vẫn điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải, trong đó Grab trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước…
Ở đây liên quan đến vấn đề cốt lõi là sở hữu xe và đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền. Sở hữu xe đương nhiên không phải là Grab rồi. Đăng ký kinh doanh thì là của các doanh nghiệp và HTX vận tải. Có rắc rối chăng là một lực lượng hùng hậu xe cá nhân tham gia trong một xu hướng kinh tế chia sẻ. Cái quyền “trực tiếp điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước,…” mà như Viện kiểm sát cáo buộc kia vốn là của họ, luật pháp cũng không cấm họ được hợp tác hoặc ủy quyền cho người khác hoặc tổ chức khác. Những đối tượng này không khiếu kiện thì có nghĩa là đã có sự tự nguyện rồi, luật pháp không cần can thiệp.
Đó là chưa nói tới việc đến thời điểm này, luật pháp chưa ngã ngũ xe ứng dụng công nghệ kia là xe hợp đồng hay xe taxi. Hai “ông” không cùng sân chơi mà kiện cáo nhau về ảnh hưởng lợi ích trước Tòa, tựa như một bài toán có giả thiết khác nhau lại đi tìm đáp số giống nhau, mới thấy khó khăn làm sao!
Những lý lẽ ấy có lẽ có phần cùng chung với các nhà tư pháp ở phiên tòa tiếp theo và kết cùng, Tòa sơ thẩm tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun chỉ còn 4,8 tỷ đồng.
Thực ra, đối với những tập đoàn kinh doanh tầm cỡ quốc gia và quốc tế, con số 4,8 tỷ đồng kia quả là không đáng gì, nhưng hậu quả của phán quyết như vậy lại đáng giá hơn nhiều, bởi đó là danh dự của doanh nghiệp, là niềm tin vào công lý, là động lực sáng tạo, là tương lai, là ước vọng… của biết bao con người.
Grab không tâm phục khẩu phục và kháng cáo lên Tòa phúc thẩm.
Lại vẫn sự tranh cãi hai bên, giữa kinh doanh vận tải và kinh doanh công nghệ, giữa thiệt hại do yếu kém tự thân hay do đối thủ đem lại, giữa mô hình taxi công nghệ thí điểm được pháp luật cho phép là lưỡng tính hay đơn tính… mà bất phân phải trái.
Ngay đại diện của VKSND cấp cao tại TP.HCM khẳng định, bản án của Tòa sơ thẩm nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng chi phí xe nằm bãi là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật. Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun, không có lỗi của Grab.
Tuy vậy, khi đánh giá về thiệt hại của Vinasun, Tòa phúc thẩm cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab. Vì vậy, TAND TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun, là có tính chất tương đối, hợp tình hợp lý.
Grab thấy chưa, Tôn Ngộ Không cũng chào thua! Một vấn đề tưởng chừng Tôn Ngộ Không cũng không giám định được thì tòa nhà mình lại bấm quyết ra được. Không hiểu còn hàng trăm hãng taxi truyền thống khác, cùng với án lệ này, liệu có “tát nước theo mưa” kiện ra tòa để nổi danh không nhỉ?