Gần 90 tấn vải chuẩn VietGAP - thành quả mà chú Mến (chủ nhà vườn vải xuất Nhật, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) dày công chăm bón đã nhanh chóng được thu mua, thậm chí với tốc độ nhanh hơn năm trước với giá cả ổn định, bất chấp dịch Covid-19, thông qua dự án GrabConnect.
Đây là dự án mới của Grab nhằm kết nối nông sản và đặc sản địa phương an toàn, chất lượng từ vườn đến người tiêu dùng cả nước, mở đầu là chương trình “Kết nối vải thiều Lục Ngạn”.
Đầu vụ, nhìn vườn vải chi chít quả, sản lượng ước chừng gấp đôi năm trước, chưa kịp mừng thì Bắc Giang trở thành “tâm dịch", chú Mến bắt đầu đau đáu chuyện đầu ra. Như bao nhà vườn khác, chú “đứng ngồi không yên” lo cho vườn vải dày công chăm sóc nhưng không thể tiêu thụ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng, người đàn ông này đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì công sức bỏ ra đã thu được “quả ngọt".
Không giấu được niềm vui, chú Mến hồ hởi khoe: “Sản lượng vải năm nay gấp đôi năm ngoái, thu hoạch trùng thời điểm dịch nhưng tiêu thụ lại nhanh hơn. Mỗi ngày vườn tôi thu hoạch khoảng 2 tấn, trong hơn 1 tháng là bán hết 90 tấn vải.”
Như nhiều vườn vải tại “thủ phủ” Lục Ngạn, vườn vải nhà chú Mến được canh tác theo chuẩn VietGAP, quy trình chăm sóc, bón phân tuân theo quy định nghiêm ngặt. Hợp thổ nhưỡng, thêm bao công sức và tâm huyết của người trồng, từng quả vải thành phẩm ngọt lịm, đậm đà, đạt chuẩn xuất khẩu. Vải có thể đến tay người mua không chỉ giải quyết bài toán kinh tế đầu ra mà còn là niềm vui của người nông dân khi người dùng có thể thưởng thức loại quả “đặc sản” đúng chất lượng.
Năm nay, vải thiều chuẩn xuất khẩu không chỉ xuất hiện ở các kênh bán hàng truyền thống như chợ, siêu thị… mà còn chiếm trọn những kệ hàng ưu tiên trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là nền tảng công nghệ Grab. Nhờ đó, những chủ vườn như chú Mến lại có thêm một kênh “bao tiêu” ổn định.
“Khi nghe nói vải được doanh nghiệp hỗ trợ, bán đủ nơi, từ chợ đến ứng dụng di động, chúng tôi mừng lắm. Lúc vào chính vụ, bà con ở đây giúp nhau thu hoạch xuyên đêm để kịp vận chuyển đi các thành phố lớn vào sáng sớm. Phải nói là rất cám ơn chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nên từ đầu vụ đến giờ rất ổn định”, chú Mến nhớ lại thời điểm vào vụ vải rộ.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nông sản Việt gặp thêm khó khăn trong việc tiêu thụ. Để tìm đầu ra cho nông sản Việt, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng nỗ lực, cho ra đời những sáng kiến để “khơi thông” dòng chảy, đưa đặc sản đến tay người tiêu dùng. Các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, điển hình như dự án GrabConnect còn là giải pháp kịp thời hỗ trợ đầu ra và bình ổn giá, nhất là khi cửa xuất khẩu bị thu hẹp do tác động đại dịch.
Nhiều năm liền chứng kiến cảnh bà con nông dân chịu cảnh ép giá khi bán cho thương lái xuất khẩu, chị Như, chủ hợp tác xã thu mua An Như cho biết: “Năm nay, nhiều doanh nghiệp trong nước hỗ trợ nên giá cả bình ổn, đầu ra ổn định. Mọi năm thì tiêu thụ trong nước chừng 10-20%, thôi, năm nay nhờ có dự án GrabConnect mà đạt tới 50%”.
Cũng theo chị Như, không chỉ tạo đầu ra cho vải, đây còn là cơ hội để người lao động có thêm công ăn việc làm nhờ thu hoạch vải. Mùa vải này, riêng cung cấp cho Grab thôi thì mỗi ngày có từ 70-80 công nhân thu hoạch, đóng gói, từ đầu vụ đến cuối vụ đều đều như thế.
Ở khía cạnh đường dài, có thể thấy, những dự án như GrabConnect là tín hiệu khả quan cho thị trường nông sản. Sự vào cuộc của các nền tảng công nghệ sẽ góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ và phân phối sản phẩm nông nghiệp vốn còn nhiều bất cập, đặc biệt khi nông sản vào chính vụ. Nhờ đó, người nông dân sẽ không phải lo lắng tìm đầu ra hay bị ép giá. Người dùng cũng có cơ hội chọn mua những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn, an tâm về nguồn gốc xuất xứ.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/grabconnect-ket-noi-tieu-thu-vai-thieu-bac-giang-20201231000003582.html