Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

Hà Nội không thiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, người dân không cần tích trữ (ảnh minh họa)

Hà Nội sẽ không thiếu hàng hóa thiết yếu

Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã đưa ra các kịch bản cụ thể để cung ứng hàng hóa cho phù hợp với diễn biến thực tế, chia làm 5 cấp độ. Do đó, người dân hoàn toàn có thể yên tâm, không cần tích trữ và không lo khan hiếm các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường.

Cụ thể, cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn và xuất hiện 1 khu vực cách ly thuộc địa bàn 1 quận, huyện với số người trong khu vực cách ly 200 người và 2.350 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường ở những khu vực không cách ly, xuất hiện tượng mua tích trữ hàng hóa.

Cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn, xuất hiện nhiều khu vực cách ly, giả định có 5 khu vực cách ly với số người trong khu vực cách ly 1000 người và 12.750 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày. Tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn đáp ứng đầy đủ song vẫn có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ tại một thời gian ngắn nhất định, do số lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm, đặc biệt vào dịp cuối tuấn. Một số địa điểm kinh doanh thuộc khu vực cách ly ngừng hoạt động.

Cấp độ 3: Trên địa bàn có từ 20 ca nhiễm đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Giả định có 10 khu vực cách ly với tổng số người trong khu vực cách ly 2000 người và 127.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày.

Nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50%-100%) so với ngày bình thường. Hàng hóa phải điều tiết mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (TTTM, siêu thị,cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ…) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.

Cấp độ 4: Trên địa bàn có trên 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc, 30 quận huyện đều có khu cách ly. Giả định mỗi quận, huyện có từ 1-5 khu vực bị cách ly đưa số khu vực cách ly từ 30-150 khu vực, với số người trong khu vực cách ly 30.000 người và 382.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày.

Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện, phải thực hiện điều tiết hàng hóa trong nội bộ thành phố và phải huy động một số hàng hóa thiếu nhiều ( thực phẩm, rau củ quả…) từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác.

Cấp độ 5: Trên địa bàn có từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm gần 1/4 số dân trên địa bàn); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm.

Hoạt động của đa số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng, chỉ có một số điểm bán nhu yếu phẩm hoạt động theo chỉ đạo của thành phố. Lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến, tiếp tục mở thêm các kho hàng để đưa hàng về tăng lượng dự trữ, trong trường hợp cần thiết phải mở các kho hàng dã chiến tại các vùng ngoại thành, điều tiết cung ứng hàng hóa từ các tỉnh về trong thời gian ngắn nhất. Huy động thêm các phương tiện để vận chuyển hàng hóa.

Với mỗi cấp độ cụ thể, Sở Công Thương đã có phương án điều phối và cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

"Tâm lý của người dân chúng tôi hiểu được nhưng tôi đảm bảo lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, tích trữ nhiều", bà Lan khẳng định.

Trước đó, họp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan cấp giấy phép cho xe chuyên chở của các doanh nghiệp được đi vào thành phố 24/24... Các cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu, siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đều được yêu cầu mở cửa liên tục phục vụ nhân dân.

Mở thêm điểm bán lưu động, siêu thị chuẩn bị hàng gấp 3 bình thường

Phản ánh của người dân cho thấy, chiều 31/3, tại một số cửa hàng tiện ích như Vinmart+, Bác Tôm… có hiện tượng người dân chen lấn mua hàng. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, đại diện truyền thông Tập đoàn BRG cho biết, trong ngày hôm nay (31-3), hệ thống bán lẻ của tập đoàn ghi nhận hoạt động mua sắm sôi động hơn, có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ.

“Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Lượng hàng hóa chúng tôi đã chuẩn lớn gấp 3 lần bình thường nên người dân không lo thiếu. Ngoài ra, từ 17h hôm nay, 31-3, chúng tôi mở thêm 10 điểm bán hàng nhu yếu phẩm lưu động nữa để phục vụ nhân dân”- đại diện BRG cho biết.

Theo đại diện của Central Group, nhà bán lẻ này cũng đã chuẩn bị nguồn hàng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bộ Công Thương cho biết, theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phướng án sau. Trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động. Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng.

Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.

Ngay cả trong trường hợp chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động: Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.

Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…).

Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.

Theo An ninh Thủ đô