Sáng 8/10, ông Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thông tin, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính được bán cây sưa từng được trả giá 100 tỷ đồng.
Theo ông Chính, văn bản đã được thành phố gửi về địa phương. Tới đây, Chi cục Kiểm lâm - Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội cùng UBND huyện sẽ về làm thủ tục cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, việc mua bán cây sưa 100 tỷ này nếu được thành phố đồng ý sẽ thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. “Người dân địa phương hết sức phấn khởi bởi đã xin phép bán từ rất lâu... Sau khi các cấp, các ngành chức năng làm việc cụ thể thì sẽ bàn đến các bước tiếp”, ông Chính nói.
Cây sưa 100 tỷ được người dân hàn lưới thép bảo vệ. Ảnh: PV
Trước đó, người dân thôn Phụ Chính có nguyện vọng được bán cây sưa đỏ này từ lâu, vì vài năm gần đây cây có hiện tượng bị khô, mục. Cây sưa trên là loại sưa đỏ có tuổi đời trên 130 năm, nằm trong khuôn viên chùa làng Phụ Chính.
Cây sưa quý này có 2 nhánh lớn, tuy nhiên, 1 nhánh đã bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010. Vụ mua bán đã gây nên những lùm xùm trong một thời gian dài. Khi xe chở số gỗ sưa trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ.
Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Thế nhưng, qua nhiều năm, nhiều người dân địa phương vẫn chưa đồng tình.
Cây sưa đang bị mục nát dần theo thời gian do vậy người dân mong muốn sớm bán đấu giá công khai. Số tiền sẽ được dùng làm kinh phí để trùng tu ngôi chùa và các công trình phúc lợi.
Chia sẻ thêm về việc này, ông Vũ Văn Tuyến – Trưởng thôn Phụ Chính bày tỏ: “Có thời điểm, cây sưa đỏ được trả giá đến trên 100 tỷ đồng. Nguyện vọng của người dân hiện nay là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi. Chúng tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng này lên xã từ lâu. Người dân chúng tôi ngày ngày thấp thỏm trông coi phòng kẻ xấu cưa trộm, lại lo sợ cây sưa sẽ chết dần sẽ không còn giá trị”.
Theo ông Tuyến, dân làng Phụ Chính sẽ họp bàn và bầu ra 9 thành viên nằm trong ban quản lý số tiền thu được từ đấu giá. Để minh bạch và đảm bảo an ninh, người dân sẽ thuê một đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.
“Tôi được biết giá gỗ sưa bây giờ cũng không rẻ đâu, nhất là gỗ sưa đỏ lâu năm thì vẫn còn giữ giá lắm. Giá bây giờ khoảng 15 triệu đồng/kg. Hai cây sưa ở chùa cũng phải đến 4 - 5 khối gỗ. Chúng tôi kỳ vọng đợt đấu giá này sẽ thu về từ 60 - 75 tỷ đồng”, ông Tuyến cho hay.
Nhật Tân