Cụ thể, lúc 8h ngày 30/1, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội đều màu đỏ với chỉ số chất lượng không khí ở mức 153-180, có hại cho sức khỏe của con người.
Ứng dụng AirVisual của Tổ chức IQAir (thành lập năm 2015, là tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) dự báo, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội là 175, mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe. Chỉ số màu đỏ còn kéo dài đến 16h ngày 30/1, sau đó giảm bớt một cấp về ô nhiễm.
Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở hầu khắp Hà Nội lúc 8h đều mức đỏ, có 10 nơi mức tím rất có hại cho sức khỏe gồm Cổ Đông (Sơn Tây), Trung tâm đổi mới công nghệ - công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất), PAM Farm - Vân Côn (Hoài Đức), Minh Trí và Thanh Hà 1 (Sóc Sơn), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), Gia Thượng (Long Biên), Times City (Hai Bà Trưng), Vĩnh Hưng (Hoàng Mai), Bát Tràng (Gia Lâm). Thậm chí ở điểm quan trắc Ngọc Thụy (Long Biên) ở mức nâu với chỉ số AQI 305 là mức không khí bị ô nhiễm nặng nề, dễ làm phát sinh các bệnh lý hô hấp và dị ứng nghiêm trọng.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hà Nội đang trong thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Vào những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Thời gian gần đây, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm có nồng độ ô nhiêm không khí cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường không khí chính đã được xác định do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, biện pháp cần làm ngay là rửa đường, cấm các phương tiện chở vật liệu xây dựng, rác thải gây ô nhiễm.
Thực tế ở những điểm nóng về ô nhiễm, bụi bay mờ mịt cần địa phương, bộ, ngành liên quan phải xử lý tức thì, xử lý ngay những công trình không tuân thủ quy định, để bụi phát tán; thu hồi xe máy cũ, nát do ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thu hồi phải có cơ chế. Còn biện pháp dài hơi về quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch… sẽ làm theo lộ trình.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Tổng cục Môi trường phải tổng kết việc thực hiện Quyết định 985a/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và đề ra các giải pháp trong năm 2022. Ngay tháng 3/2021, Tổng cục Môi trường làm đầu mối, thành lập đoàn liên ngành làm việc với UBND các tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, trong đó làm rõ mục đích, yêu cầu, phân công, tổ chức thực hiện cụ thể cho từng đơn vị trong và ngoài bộ.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-lai-canh-bao-o-nhiem-khong-khi-52819.html