Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng không khí đến từ các nguồn như hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân sinh… Các hoạt động này diễn ra mỗi ngày, đều đặn thải chất ô nhiễm vào môi trường. Bên cạnh đó là các hoạt động sản xuất công nghiệp tại các tỉnh thành, cũng như nguồn ô nhiễm vận chuyển từ xa, xuyên biên giới có thể tác động tới Hà Nội.
Hơn nữa trong thời gian qua, lượng phát thải tăng cao do sự gia tăng của các hoạt động chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, kết hợp với điều kiện khí hậu không thuận lợi như nhiệt độ thấp (dao động trong khoảng 11 – 20#), lặng gió (tốc độ gió dao động trong khoảng 0.3 – 1.3m/s), độ ẩm dao động trong khoảng 20 – 80%, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, hình thành lớp mây mù bao phủ thành phố, các chất ô nhiễm bị giữ lại bề mặt mà không phát tán được, khiến chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Lý giải về tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mật độ chất gây ô nhiễm và hiện tượng nghịch nhiệt có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Thông thường, trước và sau khi khu vực đón không khí lạnh, trạng thái sương mù sẽ xuất hiện nhiều hơn do nhiệt độ ở lớp khí quyển đã tăng nhưng bề mặt còn khá lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Điều này khiến các phần tử khí khó khuếch tán lên cao, bụi bẩn chỉ tồn tại được ở lớp bề mặt gây ra ô nhiễm.
Khi không khí lạnh tràn về xóa tan lớp nghịch nhiệt này, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Trong khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết thời gian này, các điều kiện khí tượng bất lợi vào mùa đông kèm theo gió mùa Đông Bắc mang một lượng lớn bụi từ phía Bắc đến Việt Nam, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí ở miền Bắc.
Cơ quan này đưa ra dự báo thời gian tới, chất lượng không khí tại các đô thị miền Bắc còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể tái diễn do kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân bằng cách thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra, người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.
Liên quan đến việc thu hồi xe cũ nát gây ô nhiễm, ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, “Sở đang làm việc với Hiệp hội xe máy Việt Nam xây dựng phương án hỗ trợ người dân thu đổi xe cũ nát, được mua xe máy mới với giá ưu đãi. Xe máy cũ nát hầu hết do người lao động có thu nhập thấp sử dụng. Nên cần triển khai thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ trong điều kiện đảm bảo an sinh xã hội”, ông Thái cho hay.
Trong khi đó, chia sẻ với báo Đại đoàn kết, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, do chưa có quy định về niên hạn đối với xe máy nên muốn thu hồi tài sản người dân, Nhà nước phải xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, có thể dựa trên quy định xe không đủ điều kiện an toàn, không được phép lưu thông. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi để không ảnh hưởng đời sống người dân, nhất là người nghèo.
Trong khi đó, Ths Võ Văn Phúc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, không nên đặt vấn đề thu hồi dựa trên niên hạn xe mà chỉ cần bổ sung quy định để quản lý thông qua kiểm kê khí thải và yêu cầu kỹ thuật, nếu xe đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, dù sử dụng bao nhiêu năm vẫn được dùng.
Bên cạnh quy định về kiểm định khí thải bắt buộc với xe máy, ông Phúc cho rằng, Nhà nước và các nhà sản xuất xe nên có chính sách, phương án hỗ trợ để người dân có thể bán xe cũ, đổi xe mới để xử lý theo quy định về sản phẩm thải bỏ như thu cũ đổi mới, mua xe trả góp, hỗ trợ lãi suất… Người dân, cần nâng cao nhận thức về bảo hành, bảo dưỡng, bởi xe có tốt, có mới mà không bảo dưỡng đúng cách sẽ giảm chất lượng, không đáp ứng chỉ tiêu về mặt chất lượng.
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, ô nhiễm không khí có liên quan tới 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Cũng theo số liệu của Liên hợp quốc, mỗi giờ có 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp 3-5 lần số người chết vì sốt xuất huyết và HIV.
Tại Việt Nam, với sự phát triển của một số lĩnh vực như công nghiệp, vận tải, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và có tới 34.332 người tử vong sớm có liên quan tới ô nhiễm không khí. Thành phố Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chìm trong khói bụi, mây mù, chất lượng không khí vượt ngưỡng nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh.