UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND triển khai tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố.
Đối tượng tham gia tiêm lần này là toàn bộ trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn TP Hà Nội (trừ những trẻ đã tiêm vắc-xin sởi hoặc sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella và thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch tiêm).
Theo đó, trong quý IV năm 2018, thành phố sẽ triển khai đồng loạt tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã theo hình thức tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo.
Những trẻ dưới 5 tuổi nhưng chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi – rubella sẽ được cán bộ y tế đến tận trường mầm non, mẫu giáo để tiêm bổ sung.
Với những trẻ được hoãn tiêm và những trẻ không đi học, việc tiêm bổ sung vắc-xin sởi – rubella đợt này sẽ được thực hiện tại trạm y tế.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc-xin, tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng; bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có).
Từ đầu năm 2018 đến nay khu vực miền Bắc ghi nhận hơn 2 nghìn ca sốt phát ban nghi sởi và có hơn 1 ca dương tính với sởi. Đáng lưu ý là đã có trường hợp mắc sởi tử vong.
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, các trẻ mắc sởi chủ yếu dưới 5 tuổi; khoảng 90% các trường hợp mắc chưa tiêm vắc xin. Nguyên do trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng; trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh; trẻ thường xuyên ốm hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trước tình hình dịch sởi đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi như sau:
- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.