Tiến sĩ Lê Văn Bé - Viện trưởng Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, Viện đã thực hiện thành công các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cho hai loại vắc xin cúm do Viện sản xuất và hy vọng cả hai vắc xin cúm này sẽ được cấp phép lưu hành trong năm 2019.
"Đây là kết quả của 9 năm hợp tác quốc tế của Bộ Y tế cũng như IVAC nhằm nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam. Hai vắc xin này bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2010 trên công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi. Từ năm 2017 đến nay, hai vắc xin trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng”, TS Bé thông tin.
Theo đại diện Viện vắc xin và Sinh phẩm y tế, các kết quả chung cho thấy, cả hai loại vắc xin đều an toàn và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh
Theo Bộ Y tế, vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất sẽ có giá chỉ bằng 1/3 giá vắc xin cùng loại đang phải nhập khẩu.
Cúm mùa - một bệnh do virus gây bệnh đường hô hấp từ thể nhẹ đến nặng và đôi khi có thể tử vong, là nguyên nhân gây ra tới 650.000 ca tử vong và khoảng 3 - 5 triệu trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng trên toàn thế giới hàng năm.
Thực tế cho thấy, các chủng cúm có sức hủy diệt mạnh mẽ, xuất hiện và gây ra các đợt bùng phát lan rộng ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới.
Đại dịch cúm lớn xảy ra gần đây có tác động đến Việt Nam là đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009, kéo dài trong vòng 12 tháng, đã gây ra hơn 284.000 ca tử vong trên toàn thế giới, trong đó có 78.000 người ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam từ trước tới nay đã thiếu nguồn cung cấp vắc xin cúm bền vững và buộc phải dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Cách tốt nhất để đảm bảo sự tiếp cận chủ động của Việt Nam sẵn sàng các loại vắc xin cứu sống con người là thông qua việc sản xuất vắc xin cúm mùa với giá cả phải chăng.
Thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc xin phức tạp Hib bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh về đường hô hấp, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây được coi là một loại vắc xin phức tạp nhất, qua nhiều khâu tinh chế. Hiện loại này được chọn là một trong các sản phẩm nằm trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Hiện nước ta đã tự sản xuất được 10 loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…, trong đó có 8 loại đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.