Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.
Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.
Siết chặt công tác quản lý, vận hành nhà chung cư
Trước những yêu cầu do thực tế đặt ra liên quan đến những tồn tại trong việc quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn, vừa qua, tại văn bản số 5373/UBND-SXD, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương tổng rà soát, chấn chính các vướng mắc, tồn tại liên quan đến nhà chung cư. Điểm đáng chú ý là ngoài việc yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nhà chung cư hiện có, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị triển khai một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. Bên cạnh yêu cầu về đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy, một số chỉ đạo đang lưu ý gồm:
Yêu cầu Công an thành phố Hà Nội đẩy mạnh xác minh, xử lý theo quy định cản pháp luật đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ cho Ban quản trị nhà chung cư.
Yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp nhằm phát hiện việc sử dụng căn hộ nhà chung cư vào các mục đích khác không phải để ở. Nếu có, cần yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp cần thiết như buộc doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chấm dứt việc sử dụng; yêu cầu các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư phải khắc phục xong vi phạm theo quy định của pháp luật trước khi được đề xuất đầu tư tham gia đấu thầu, đấu giá các dự án có sử dụng đất để phát triển nhà ở mới trên địa bàn Thành phố.
Sở KH&ĐT cũng được chỉ đạo phải công khai Danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp và danh sách các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa khắc phục xong vi phạm.
Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp.
Bên cạnh đó, đối với các địa phương quận, huyện, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu rà soát, tổng hợp, cung cấp danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, gửi các sở ngành để tổ chức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
"Gỡ vướng" những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý
Đầu năm 2020, nhằm tăng cường tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP theo quy định, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Công văn số 796/SXD-QLN về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tập huấn và tổ chức tập huấn các VBQPPL về quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cho các Ban quản trị.
Xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng chung cư, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ tổ chức Hội nghị nhà chung cư thành lập Ban quản trị, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2%, xác định và bàn giao diện tích chung-riêng cho Ban quản trị nhà chung cư. Có văn bản báo cáo Sở Xây dựng và UBND TP trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện để Sở Xây dựng báo cáo UBND TP có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tổ chức Hội nghị nhà chung cư trong trường hợp chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công theo quy định.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, đặc biệt việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; phối hợp với Công an thành phố Hà Nội (Cảnh sát PCCC) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC&CNCH tại khu chung cư, cho các chủ thể tham gia vào hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư; thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật vê quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Công tác PCCC và phí báo trì chung cư là 2 vấn đề nổi cộm trong việc quản lý, vận hành chung cư. (Ảnh: Internet).
Tháng 06/2020, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư.
Cụ thể, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2017/TT-BXD liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư; quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư; tổ chức Hội nghị nhà chung cư; chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.
Đồng thời nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư theo thẩm quyền, trong đó quy định cụ thể cách xác định diện tích căn hộ, phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng để góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, về phòng cháy, chữa cháy.
Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư và pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Tháng 09/2020, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội”. Theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đã được các cấp, các ngành Thành phố triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác trên vẫn còn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp chậm so với quy định; việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư còn bất cập và hạn chế; tranh chấp sở hữu chung - riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến; việc thành lập và kiện toàn tổ dân phố, chi bộ Đảng, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể đồng bộ với việc hình thành nhà chung cư, khu chung cư còn chưa kịp thời...
Trên cơ sở đó, Nghị quyết của Thành ủy xác định rõ quan điểm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay của cả hệ thống chính trị Thành phố để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị xử lý hình sự với vi phạm nghiêm trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia, với những giải pháp khá đồng bộ với trọng tâm là việc nêu tên công khai các chủ đầu tư vi phạm, nếu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả với yêu cầu rõ ràng về thời gian thực hiện, trách nhiệm liên đới thì được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được những tồn tại liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tại Hà Nội như sử dụng không đúng mục đích, chậm bàn giao quỹ chung cư hiện nay.
Nghị quyết 26-NQ/TU đề ra 2 mục tiêu: Thứ nhất, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Thứ hai, kịp thời đề ra và triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác trên.
Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các ngành trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố.