tang cuong kiem tra phoi hop giai quyet nguoi lang thang xin tien
Ảnh minh họa

Kết quả sau gần 02 năm thực hiện Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29-8-2018 về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng người lang thang trên địa bàn đã cơ bản được giải quyết (tính đến ngày 10-3-2019 các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ,TB&XH đã tiếp nhận và tập trung được trên 1.000 lượt đối tượng người lang thang từ các xã, phường, thị trấn và các Ban Quản lý Di tích & Danh thắng).

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, vẫn còn hiện tượng đối tượng mang theo trẻ em, người khuyết tật để xin tiền, đặc biệt có tình trạng bảo kê (lợi dụng người già, người khuyết tật) để trục lợi cho cá nhân hoặc 1 nhóm đối tượng. Ngày 13-3-2019, Sở LĐ,TB&XH nhận được văn bản của Tổ chức trẻ em Rồng Xanh - Văn phòng Dự án tại Việt Nam phản ánh việc trên địa bàn Thành phố có một số đối tượng có hành vi dùng trẻ nhỏ và nhóm trẻ khuyết tật đi ăn xin để trục lợi cho bản thân.

Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và thực hiện hiệu quả hơn công tác tập trung người lang thang trên địa bàn, Sở LĐ,TB&XH đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát, tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng người khuyết tật, trẻ em vào mục đích trục lợi hay các nhóm người khuyết tật, trẻ em bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường có tính chất tổ chức chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự và an sinh xã hội của Thành phố. 

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách của thành phố Hà Nội trong công tác giải quyết người lang thang trên địa bàn; Chủ động kiểm tra địa bàn để xử lý giải quyết tình trạng người lang thang xin tiền, đặc biệt là các trường hợp người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em. Phối hợp với các Trung tâm Bảo trợ xã hội để tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019.

Đối với các Trung tâm Bảo trợ xã hội I, II, IV và Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH tại các địa bàn được giao phụ trách để thực hiện công tác tiếp nhận, vận chuyển người lang thang xin tiền; Tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, đặc biệt tại các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, nơi tổ chức các hoạt động chính trị - xã hội, tuyến phố có nhiều du khách,...

Đồng thời, làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại và quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người lang thang trong quá trình lưu trú tại Trung tâm. Phối hợp với các địa phương có đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, hạn chế việc đối tượng ra thành phố Hà Nội lang thang xin tiền.

Theo phapluatxahoi.vn