Những ngày qua, dư luận tiếp tục có những tranh luận liên quan tới phản ứng bất ngờ của gia đình nữ sinh khi phát hiện thầy giáo chủ nhiệm 40 tuổi có những tin nhắn trên mức bình thường với nữ sinh lớp 10 tại một trường THPT của tỉnh Thái Bình.
Dù các đoạn tin nhắn “mùi mẫn” của thầy giáo dành cho nữ sinh khiến nhiều người đọc cho rằng đó là “gạ tình”, cần xử lý nghiêm đối với thầy giáo có suy nghĩ không trong sáng đó, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là với gia đình nữ sinh chỉ cho đó là những tin nhắn tình cảm trên mức bình thường nên đề nghị các cơ quan chức năng không kỷ luật giáo viên này.
Trước đó, vụ việc một thầy giáo tại một trường tiểu học ở Bắc Giang có hành vi sàm sỡ học sinh cũng được cơ quan chức năng kết luận là không phải dâm ô học sinh. Thông tin này làm cho nhiều người liên tưởng đến việc nam giáo viên đó chỉ bị phạt hành chính từ vài trăm nghìn đồng -mức xử lý có phần nhẹ đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Trường tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang) nơi xảy ra vụ việc thầy giáo sàm sỡ học sinh.
Theo dõi các vụ việc giáo viên nói trên và hàng loạt vụ vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua, Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tại ĐH Newcastle (Australia) cho rằng, phải thừa nhận truyền thống tôn sư trọng đạo trong thời gian gần đây đang bị xói mòn và băng hoại vì một vài cá nhân mang danh là người thầy nhưng suy đồi về đạo đức.
Theo Thạc sỹ Hiền, những trường hợp đó chỉ có thể gọi họ là thợ dạy chứ không thể gọi là người thầy đúng nghĩa. Dù lý do gì đi nữa những hành vi như vậy đáng bị lên án, đáng bị xử phạt răn đe cho những kẻ khác. Về luật pháp, hành vi xâm phạm cơ thể trẻ em đã vi phạm vào quyền bảo vệ trẻ em. Về mặt nghề nghiệp thì vi phạm nghiêm trọng về đạo đức nhà giáo.
Cho rằng nếu không xử lý nghiêm là xem nhẹ quyền trẻ em, Thạc sỹ Hiền nêu ví dụ: "Ở Australia muốn chụp hình trẻ em cần phải xin phép và được sự đồng ý của em đó mới được chụp chứ chưa nói tới chuyện động chạm cơ thể".
Ngay cả với trường hợp giáo viên nhắn tin “yêu đương” với nữ sinh lớp 10, theo Thạc sỹ Nguyễn Sóng Hiền: “Những người thầy này nên đưa ra khỏi nghành. Chưa xét về hậu quả nhưng hành vi như vậy không nên và không được phép tồn tại trong môi trường giáo dục - nơi người thầy gieo mầm những điều tốt đẹp cho tương lại các em”.
Liên quan tới hàng loạt vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua, ngày 11/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.
Quang Anh