Tiếp sức cho sản phẩm OCOP của Thủ đô vươn xa

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những giải pháp phát huy nguồn lực, mở hướng mới cho sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Cùng với phân loại, xếp hạng sao cho sản phẩm đạt chất lượng, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh kết nối với các sở, ngành, DN… trong việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có khoảng 400 sản phẩm được xếp loại từ 3 sao trở lên và có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, được phân hạng sản phẩm cấp quốc gia.

Theo ông Chu Phú Mỹ, thời điểm hiện tại, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp đăng ký của 30/30 quận, huyện, thị xã triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 với 2.349 sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí, ngành vải, may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

Trong đó, năm 2021 có 547 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân loại. Hiện tại, các đơn vị cấp huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 1 (cấp huyện). Trên cơ sở đó, những sản phẩm đạt tiêu chí theo quy định sẽ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp TP đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 2 và trình UBND TP quyết định kết quả.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù đạt được nhiều kết quả, tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nhưng quá trình triển khai Chương trình OCOP tại Hà Nội vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Hà Nội: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hà Nội: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo đó, sản phẩm đặc trưng của các địa phương dù nhiều song chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm còn hạn chế nên thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP còn một số bất cập, kênh tiêu thụ sản phẩm chưa đa dạng…Chính những hạn chế đó đã khiến cho các sản phẩm OCOP của Thủ đô gặp nhiều hạn chế trong việc tiêu thụ tại những hệ thống siêu thị của Hà Nội.

Bởi, để đưa lên kệ hàng đòi hòi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn của DN bán lẻ như nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện đa phần sản phẩm OCOP do DN nhỏ, làng nghề sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thực hiện đầy đủ hồ sơ, chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch, mua bán.

Tăng cường kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP

Năm 2021, Hà Nội có 547 sản phẩm của 26 đơn vị cấp huyện đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, chất lượng, thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ giữa các tỉnh, TP. Đặc biệt, TP đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để các chủ thể có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được TP Hà Nội quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại nhập.

Nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, trong năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, Hà Nội phấn đấu phát triển mới 30 - 40 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong đó, mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động.

Không dừng ở đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc triển khai Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP TP Hà Nội, qua đó tạo thuận lợi cho DN OCOP đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà bán lẻ. Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, in tem nhãn sản phẩm OCOP cấp TP Hà Nội và tích hợp truy xuất nguồn gốc (mã QR)...

Quyền GĐ Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc triển khai điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP nhưng Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các quận huyện triển khai xây dựng 14 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Đến nay, TP Hà Nội đã có 35 điểm quảng bá, tiêu thụ OCOP

Theo Pháp luật xã hội

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-thao-go-diem-nghen-trong-khau-tieu-thu-san-pham-ocop-268728.html