Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là mục tiêu hàng đầu của thành phố Hà Nội, thông qua các giải pháp cụ thể, hiệu quả, kịp thời. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được thành phố triển khai, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Cả nước giảm 17,9%, riêng Hà Nội tăng 46,5%

Trong quý I-2020, Hà Nội có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số doanh nghiệp và tăng 98% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 4-2020, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn đã sụt giảm rõ rệt. Tính chung 4 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ có 7.468 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 118 nghìn tỷ đồng; giảm 13,1% về số doanh nghiệp và tăng 46,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn, xu hướng số doanh nghiệp thành lập giảm trong tháng 4-2020 một mặt cho thấy tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung, nhưng mặt khác cũng phản ánh việc doanh nghiệp chờ đợi cơ hội khởi nghiệp rõ ràng hơn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và xã hội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, chung sống an toàn với dịch bệnh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhận xét, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thủ đô giảm tương ứng so với mặt bằng chung của cả nước (13,2%), tuy nhiên số vốn đăng ký lại tăng mạnh trong khi bình quân cả nước giảm 17,9%. Con số này thể hiện xu hướng rất tích cực, khẳng định tiềm năng khởi sự kinh doanh còn rất lớn và môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, công việc này phải được tiếp tục đẩy mạnh, coi đây là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thêm nhiều giải pháp

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Royal Palace Việt Nam, cho rằng, bên cạnh chính sách hỗ trợ về tài chính, cải cách thủ tục hành chính luôn là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong mọi hoàn cảnh. “Dịch bệnh khiến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đình trệ, nên việc rút gọn thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tận dụng nhanh cơ hội kinh doanh là rất quan trọng”, ông Giang nói.

Giám đốc Công ty cổ phần May Sơn Hà Nguyễn Ngọc Khánh cũng bày tỏ mong muốn thành phố cung cấp thông tin thị trường với những dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả, cũng như có giải pháp thúc đẩy giao thương theo hướng đa dạng hóa thị trường.

Về định hướng thu hút đầu tư, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất, các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội nên có chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy chế biến - chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu... Qua đó, từng bước tránh sự bị động về nguồn cung khi xảy ra biến động đột ngột như dịch Covid-19.

Thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được thành phố coi là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mới đây, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, hàng loạt chỉ tiêu chủ yếu đã được xác định, như: Phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt so với năm 2019; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của đơn vị...

Người dân đến đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Về những giải pháp cụ thể, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đã giao các sở, ngành tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tăng cường trao đổi trong quá trình giải quyết thủ tục để tăng cường hiệu quả công việc. Bên cạnh duy trì chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút đầu tư, đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; giữ vững tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đạt trên 98%; duy trì thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản còn 14 ngày; phấn đấu 100% thủ tục hành chính của các đơn vị, địa phương được cung cấp trực tuyến cấp độ 3, 4.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, Sở sẽ tham mưu thành phố ban hành chính sách kích cầu thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử; đồng thời tìm kiếm đầu vào cho sản xuất cũng như thị trường xuất khẩu thay thế cho thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sở cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu…

Được biết, thành phố có chính sách ưu tiên doanh nghiệp nghiên cứu khoa học - công nghệ, như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ 50 - 100 triệu đồng/doanh nghiệp/năm; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ khoảng 1 tỷ đồng/dự án…

Hàng loạt giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Theo Hà Nội Mới