Theo UBND TP, thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội được Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Thành quả đạt được, trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và an toàn cho người sử dụng. Đến nay, toàn TP đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có 20 DN đầu tư vào sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, sản xuất giống lúa ứng dụng công nghệ cao; 9 DN chăn nuôi, thủy sản, sơ chế, tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ cao…
Điển hình mô hình sản xuất nấm kim châm sử dụng công nghệ Nhật Bản của Cty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao (huyện Ứng Hòa…); bảo tồn và phát triển các loại cây đặc sản (phật thủ Đắc Sở, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hà Tây, hồng xiêm Xuân Đỉnh…), sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao (lan hồ điệp, hoa ly, hoa hồng…); duy trì và phát triển các giống lúa chất lượng, có khả năng chịu hạn và sâu bệnh tốt, năng suất ổn định, điển hình là mô hình lúa chất lượng cao ở Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên…
Các mô hình đều cho thu nhập tăng thêm so với canh tác lúa truyền thống khoảng từ 25% - 30%; vùng sản xuất rau an toàn ở Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm… cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai… cho giá trị từ 0,5 - 1 tỷ/ha/năm...
Với vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội, luôn được TP quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động nhằm tôn vinh, ghi nhận thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết.
Hiện TP Hà Nội phối hợp với các bộ/ngành đẩy nhanh tiến độ, tầng chung phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo thu hút đầu tư từ các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Xây dựng, đưa vào hoạt động Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội, dự án Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Một số giải pháp trọng tâm thời gian tới
Để tiếp tục có những đổi mới sáng tạo thành công, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Ban Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), kiến nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đầu tư hơn nữa, hình thành cho được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của 4 thành phần: Chính phủ - DN - Trường đại học - Viện nghiên cứu, làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội, trong đó, coi trọng các đại học lớn để đầu tư.
Ông Christian Manhart Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam nêu rõ: Các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) là những vườn ươm đặc biệt quan trọng cho sự đổi mới trong tương lai. Trên thực tế, đến năm 2050, dự đoán 75% công việc trên toàn cầu có liên quan đến STEM. Ngày nay, tỷ lệ nữ sinh viên tốt nghiệp đại học trong lĩnh vực STEM ở Việt Nam là 36,5%. Việc khuyến khích và hỗ trợ các trẻ em gái theo đuổi các lĩnh vực STEM sẽ rất cần thiết, không chỉ từ góc độ bình đẳng giới mà còn là động lực để thúc đẩy sự đổi mới trong tương lai.
Với mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia, trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực khoa học - công nghệ và năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực. TP Hà Nội tiếp tục xác định những định hướng trọng tâm về phát triển khoa học - công nghệ như: Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế của Thủ đô theo hướng bền vững, trong đó chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô theo hướng hỗ trợ và thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng. DN, đổi mới máy móc thiết bị và nâng cao trình độ công nghệ. Phát triển thị trường khoa học - công nghệ lấy giá trị giao dịch công nghệ làm trọng tâm.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với bước đi thích hợp, hướng tới bảo đảm an toàn, an ninh mạng, từ đó, tạo tiền đề vững chắc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển mà TP đã đặt ra. Hoàn thiện các chính sách pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Xây dựng các chương trình hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ; xây dựng sàn giao dịch công nghệ… tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, DN, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thị trường khoa học - công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, bước đầu tạo môi trường thuận lợi cho các DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. TP đặc biệt quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm lực trí tuệ, tiềm năng chất xám của đội ngũ trí thức để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-trung-tam-doi-moi-sang-tao-hang-dau-dat-nuoc-335812.html