Dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4

Đây là kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” của TP Hà Nội.

Trong 5 năm qua, TP đã đầu tư đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính. Nhờ đó, xếp loại mức độ ứng dụng CNTT của TP do Bộ Thông tin và truyền thông đánh giá tăng từ 12/63 tỉnh, TP (năm 2017) lên thứ 11/63 tỉnh, TP (năm 2018) và thứ 9/63 tỉnh, TP (năm 2019).

Cụ thể, TP đã đầu tư đồng bộ, thống nhất máy tính, phần mềm cho các cơ quan từ TP đến xã, phường, thị trấn để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức có máy tính phục vụ công tác, được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.

100% Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).

TP tiếp tục duy trì Trung tâm dữ liệu Nhà nước Hà Nội, bổ sung 10 máy chủ cấu hình mạnh cho Trung tâm đồng thời thuê dịch vụ Trung tâm Dữ liệu hiện đại đảm bảo chuyên nghiệp, an toàn, bảo mật thông tin. Từ năm 2016, TP hoàn thiện, bước đầu khai thác, chia sẻ, kết nối 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi gồm: Cơ sở dữ liệu dân cư; Cơ sở dữ liệu dân cư quản lý DN của TP; Cơ sở dữ liệu dân cư quản lý bảo hiểm. Đồng thời, tự triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai theo Bộ chuyên ngành trong 11 lĩnh vực khác.

Trong lộ trình chuyển đổi, các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động. Đến nay, 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, UBND các quận, huyện, thị xã, trên 75% xã, phường, thị trấn, 85% đơn vị trực thuộc các Sở, ngành (đơn vị cấp 2) đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, TP cũng hoàn thành bước đầu việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành và giải quyết TTHC cho người dân, DN như kết nối dữ liệu trong hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng đã giảm bớt thủ tục, thời gian đi lại của công dân, giúp người dân tiết kiệm được hơn 5,2 tỷ đồng từ khi bắt đầu triển khai vào 1-9-2016.

Đáng quan tâm, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các TTHC cung ứng mức độ 3, 4 và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình lựa chọn dịch vụ công của Chính phủ, hướng tới cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Hà Nội: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%

Trình độ sử dụng CNTT của người dân chưa đồng đều

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Báo cáo tổng kết Chương trình 08 cũng nêu rõ, dù TP đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuy nhiên, do kiến thức, trình độ sử dụng CNTT của người dân trên địa bàn TP chưa đồng đều, phần mềm trong quá trình sử dụng còn phát sinh lỗi nên tỷ lệ sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của người dân còn thấp (tỷ lệ chung toàn TP mới đạt trên 16%).

Cùng với đó, tiến độ triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT của TP nhìn chung còn chậm; tỷ lệ giải ngân thấp so với nguồn vốn đã được ngân sách TP bố trí. Nhiều đơn vị còn lúng túng, gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai theo hình thức thuê dịch vụ CNTT.

Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là hệ thống văn bản pháp lý, cơ chế bảo đảm thực thi nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, TP thông minh chưa đủ mạnh và chưa theo kịp sự phát triển thực tế. Ví dụ như Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử đưa các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế, trong đó có giải pháp chỉ định thầu đối với thuê dịch vụ CNTT nhưng không được các Bộ, ngành hướng dẫn thực hiện... đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, TP thông minh của Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp quốc gia dùng chung cũng như các tiêu chuẩn kết nối dùng chung chưa được triển khai, ban hành. Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, các hệ thống thông tin của các Bộ, ban ngành chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cách thức và phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu cấp quốc gia với các hệ thống thông tin của các Bộ, ban ngành, địa phương.

Đáng nói, nhận thức của một số đơn vị của TP về phát triển Chính quyền điện tử và TP thông minh còn chưa đồng đều, thống nhất dẫn đến việc triển khai các Chương trình, kế hoạch còn bị ảnh hưởng; chưa kịp thời bắt nhịp với chỉ đạo của lãnh đạo TP. Nhân lực CNTT của các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu, đặc biệt tại khối xã. Công tác đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển Chính quyền điện tử và TP thông minh.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được TP Hà Nội đặt ra trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT; đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành làm nền tảng cho việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 dùng chung của TP. Đồng thời, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bằng nhiều hình thức mới, sáng tạo giúp người dân dễ dàng sử dụng và tiếp cận, từ đó, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Pháp luật xã hội