“Tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ”.
Đây là một trong những nội dung được Bộ LĐ-TB&XH lưu ý trong Công văn vừa gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, đến nay về cơ bản các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng và chi trả cho các đối tượng đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động trong DN vẫn còn khá chậm. Nhiều DN phản ánh các cấp, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện. Vẫn xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, bỏ quên đối tượng.
Để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị: UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người dân Hà Nội phấn khởi khi nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng và Quyết định 1757 của TP. Ảnh: Đình Tuệ |
Cùng với đó, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có). Đồng thời tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng hỗ trợ, cập nhật thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH tính đến ngày 20-5-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng. Trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Người lao động trong DN, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, TP là gần 4 triệu người.
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20-5-2020 là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng.) Trong việc triển khai thực hiện, một số địa phương có cách làm sáng tạo như Hà Tĩnh, Bình Định xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu, lọc người trùng lặp. Bên cạnh đó có nhiều người dân tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; hai người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; một hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội...