Chiều 29/7, các chuyên gia thuộc dự án hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam về nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhà ở xã hội cho Việt Nam đã đến tìm hiểu kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Capital House.
Tại buổi làm việc với đại diện của Capital House tại dự án nhà ở xã hội EcoHome 1, các chuyên gia Hàn Quốc đã đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như định hướng phát triển của Capital House, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội mà Tập đoàn đã và đang triển khai xây dựng như EcoHome 1, EcoHome 2 và EcoHome 3.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, mục đích của buổi làm việc này là để lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, tìm hiểu các vấn đề thực tế, những vướng mắc, đề xuất… của doanh nghiệp trong phát triển các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam, để từ đó, phía Hàn Quốc sẽ đưa ra các khuyến nghị, đóng góp ý kiến với Bộ Xây dựng Việt Nam trong việc sửa đổi Luật nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Phía Hàn Quốc cũng cho biết thêm, Dự án nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhà ở xã hội cho Việt Nam được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Bộ Xây dựng của Việt Nam triển khai từ nguồn ngân sách của Chính phủ Hàn Quốc. Mục tiêu chính của dự án này là làm thế nào để nhiều người thu nhập thấp ở Việt Nam được an cư lạc nghiệp và sống hạnh phúc trong các khu nhà ở xã hội chất lượng tốt như các dự án mà Capital House đã và đang triển khai xây dựng.
Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội của Capital House, ông Nguyễn Trung Thành – Giám đốc Ban Dịch vụ đã chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, những rào cản chính sách… đồng thời, cũng đưa ra các đề xuất trong phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Theo ông Thành, Nhà nước cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Các thủ tục về đầu tư nhà ở xã hội còn rườm rà; Quy định về đối tượng được xét duyệt mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập; Quỹ đất phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, vị trí chưa thuận lợi…
“Hiện tại, chủ đầu tư được dành 20% diện tích đất hoặc diện tích sàn nhà ở xã hội để kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, thực tế ở mỗi địa phương, các đối tượng được giải quyết nhà ở xã hội sẽ có mức thu nhập khác nhau, do đó, để giá bán nhà ở xã hội phù hợp với đặc điểm thu nhập của từng địa bàn, luật nên quy định tỷ lệ diện tích thương mại có thể linh hoạt từ 20-50% để phù hợp với tình hình thực tế cũng như khả năng chi trả tiền mua nhà của đối tượng thu nhập thấp tại mỗi địa phương,” ông Thành đưa ra đề xuất.
Nêu quan điểm về việc khống chế biên lợi nhuận ở mức 10% đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, ông Thành đánh giá, với mức này rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào làm nhà ở xã hội, và cho rằng cần nâng lên mức 15-20%.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi và chia sẻ về nhiều vấn đề khác, bao gồm: Huy động vốn triển khai dự án nhà ở xã hội; Tỷ lệ bán, cho thuê và thương mại tại dự án nhà ở xã hội; Các tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội…
Các chuyên gia Hàn Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm xanh cho các dự án nhà ở xã hội của Capital House. Về việc này, ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House chia sẻ, tất cả các dự án của Capital House đều hướng đến thiết kế xanh, thân thiện môi trường. Điều này khẳng định chất lượng sản phẩm, giúp người mua nhà thụ hưởng sản phẩm công trình xanh đúng nghĩa. Đối với chủ đầu tư là sự khẳng định thương hiệu và sự phát triển bền vững.
Sau buổi làm việc, các chuyên gia Hàn Quốc đã đi thăm quan hai dự án nhà ở xã hội EcoHome 1 và EcoHome 2 của Tập đoàn Capital House.