Đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, theo MXV, kết thúc tuần giao dịch 5 - 11/2, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá cà phê tăng lần lượt 2,27% với Arabica hợp đồng tháng 3 và 3,24% với Robusta hợp đồng tháng 5. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường là nguyên nhân chính đẩy giá tăng.
Xung đột trên Biển Đỏ có tín hiệu căng thẳng gia tăng. Điều này khiến chuỗi cung ứng cà phê từ Châu Á sang Mỹ và Châu Âu gián đoạn kéo dài. Do đó, lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ được đẩy lên cao, đặc biệt khi tồn kho tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu đang thấp kỷ lục.
Trong báo cáo kết phiên 8/2, tổng lượng Robusta đang lưu trữ tại Sở ICE-EU chỉ ở mức 25.140 tấn, giảm 2.640 tấn so với tuần trước, đây cũng là một trong những mức tồn kho thấp kỷ lục trong lịch sử.
Giá Arabica tăng nhẹ hơn Robusta nhờ tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường. Chính phủ Brazil cho biết nước này đã xuất đi gần 223.980 tấn cà phê hạt trong tháng 1/2024, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Liên đoàn Cà phê Colombia thông báo đã xuất khẩu 935.000 bao, cao hơn 12,4% so với tháng 1/2023.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (11/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 1.200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua dao động ở mức 78.900 - 80.000 đồng/kg.
Ở diễn biến khác trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, giá bông tăng 5,36%, dẫn đầu đà tăng của nhóm trong tuần qua. Triển vọng nhu cầu về bông trở nên tích cực hơn đã tạo hỗ trợ lớn đến giá. Trong báo cáo Tổng quan về Thị trường và Thương mại bông tháng 2, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng ước tính nhập khẩu bông của Trung Quốc thêm 500.000 kiện so với tháng trước, lên 12 triệu kiện.
Giá đường 11 tăng nhẹ 0,54% nhờ lực kéo từ giá dầu thô. Giá dầu thô WTI tăng 6,31% trong tuần qua, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol, dòng nhiên liệu sinh học có thể pha trộn hoặc thay thế xăng từ dầu thô. Đồng nghĩa, nguyên liệu mía cho sản xuất đường bị hạn chế và nguồn cung đường có khả năng thu hẹp.
Giá dầu cọ thô tăng hơn 3% so với tham chiếu khi nguồn cung tại Malaysia đón nhận kết quả kém tích cực. Tồn kho dầu cọ cuối tháng 1 của nước này ước tính đạt 2,14 triệu tấn, giảm 6,62% so với tháng 12/2023 do sản lượng thấp. Giới phân tích dự đoán sản lượng dầu cọ của Malaysia sẽ tiếp tục giảm trong hai tháng tới khiến nguồn cung trở nên khan hiếm.
Đối với thị trường năng lượng, kết thúc tuần giao dịch ngày 5 - 11/2, giá dầu tăng vọt trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục đẩy lên cao sau khi Israel từ chối lời đề nghị ngừng bắn của Hamas. Ngoài ra, lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt cũng thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 6,31% lên 76,84 USD/thùng. Dầu Brent tăng 6,28% lên 82,19 USD/thùng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối đề nghị ngừng bắn và trao trả các con tin bị giam giữ ở dải Gaza của Hamas. Trước đó, Hamas đã đề xuất ngừng bắn trong 4 tháng rưỡi, tất cả các con tin sẽ được thả tự do, Israel sẽ rút quân khỏi Gaza và hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Việc Israel bỏ qua mong muốn này đã làm cho nỗ lực đàm phán để hướng tới một thỏa thuận chung càng khó khăn hơn.
Thậm chí, lực lượng Israel còn ném bom thành phố biên giới phía nam Rafah sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt các cuộc xung đột. Cuối tuần qua, lực lượng quân đội nước này cũng đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Hamas ở thành phố Rafah phía nam Gaza. Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô trong tuần qua.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga cũng gia tăng và đang gây ảnh hưởng tới hoạt động lọc dầu của nước này. Theo tính toán của Bloomberg, Nga đã xử lý 5,41 triệu thùng/ngày trong 7 ngày tính đến ngày 31/1, tuần đầu tiên cho thấy tác động của các cuộc tấn công ở Ukraine. Con số này thấp hơn 135.000 thùng/ngày so với mức trung bình trong hầu hết tháng 12/2023.
Ngoài ra, tác động cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng đang phần nào hỗ trợ cho giá. Cuộc khảo sát mới nhất của Platts từ S&P Global Commodity Insights cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC đạt 26,49 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024, giảm so với 26,8 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-nam-trong-xu-huong-tang-gia-115826.html