Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản vì không tiếp cận được dòng vốn tín dụng
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam có mặt ở hầu hết các địa phương, các ngành, các khu vực của nền kinh tế chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong đó số doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chỉ chiếm 1,6% nhưng đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Do quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp, nên khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lan rộng, hoạt động của DNNVV gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, TS. Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, thế nhưng các DNNVV vẫn rất khó tiếp cận với dòng vốn vay với lãi suất ưu đãi.
TS Phạm Huy Hùng giải thích: Các DNNVV với đại đa số là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với đặc thù quy mô nhỏ, ít tài sản bảo đảm, chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa cao, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế.
Qua khảo sát chỉ có khoảng 38% đến 45% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng như: tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tự có, chứng minh khả năng tài chính, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quản lý dòng tiền, trong khi các thông tin trên báo cáo tài chính lại chưa minh bạch….
“Vì thế, thời gian qua đã có hàng chục nghìn DNNVV phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh”, TS Phạm Huy Hùng nói.
5 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước khó khăn đó, ông Hùng kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ nhất, ông Hùng kiến nghị Chính phủ xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Về lý thuyết, các ngân hàng thương mại chỉ yêu cầu phải có tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp chưa có uy tín với tổ chức tín dụng (TCTD), thông tin chưa minh bạch…
Nhưng trên thực tế, rất ít DNNVV đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng đưa ra, vì thế để giảm rủi ro trong cho vay, các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.
Khắc phục điểm nghẽn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhưng cho đến nay vẫn chưa tháo gỡ được khó khăn về bảo đảm tiền vay bằng tài sản.
“Từ thực tế cho thấy, chúng tôi kiến nghị Quỹ bão lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ”, ông Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Hùng kiến nghị các ngân hàng thương mại chia sẻ với doanh nghiệp bằng cách tiếp tục rà soát theo hướng dẫn giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với nhóm DNVV.
TS Phạm Huy Hùng cho hay, việc kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất ở đây không chỉ đơn thuần là kêu gọi “sự chia sẻ của các ngân hàng với doanh nghiệp”, mà ngân hàng cần xem xét đến việc phân bổ và quản lý chi phí, quản lý hoạt động, quản lý rủi ro của ngân hàng một cách hiệu quả hơn.
Thứ hai, ông Hùng kiến nghị Chính phủ cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Trước đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV 3.
“Với quan điểm doanh nghiệp có tồn tại và phát triển thì người lao động mới có việc làm, do đó rất cần gói hỗ trợ này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ ba, đối với Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý, thời gian qua số lượng DNNVV tiếp cận trực tiếp và gián tiếp từ Quỹ này còn hạn chế.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là: các điều kiện về vay vốn của Quỹ chưa phù hợp với thực tế doanh nghiệp và chặt chẽ hơn điều kiện vay vốn của ngân hàng. Vì vậy cần rà soát các điều kiện vay vốn theo hướng thông thoáng hơn, bằng cách tăng cường kiểm tra sau vay.
Thứ tư, phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV. Ông Hùng cho biết, những năm gần đây hình thức huy động vốn cộng đồng ở các nước rất phát triển, hình thức này đã giúp kết nối các nhà đầu tư sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần vào công ty hoặc dự án, cho phép các nhà đầu tư được chia lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp.
Hiện nay, việc truy cập internet rất phổ biến, các DNNVV có thể mở rộng khả năng tiếp tới các nhà đầu tư tiềm năng, chấp nhận rủi ro của nền tảng gọi vốn cộng đồng.
Chính việc phát triển gọi vốn cộng đồng đã giúp lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống.
Bên cạnh việc giải quyết “điểm nghẽn” từ cơ chế chính sách về tín dụng ngân hàng cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý cho hình thức gọi vốn cộng đồng, các DNVV rất cần tự hoàn thiện thông qua việc nâng cao năng lực quản trị.
Bởi yếu tố then chốt khi quyết định đưa vốn vào doanh nghiệp là lòng tin, mà lòng tin được phản ánh qua hệ thống quản trị.
“Nếu lòng tin không được chú trọng tạo dựng, doanh nghiệp rất khó thu hút đầu tư, kể cả hình thức vay vốn cộng đồng. Do đó nâng cao năng lực quản trị, xây dựng và áp dụng mô hình quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất và quy mô hoạt động của từng DNNVV phải được coi là việc làm cấp thiết hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/hang-nghin-doanh-nghiep-nho-va-vua-bien-mat-vi-chet-von-post170775.html