Rầm rộ trái phiếu doanh nghiệp lãi suất khủng

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, dữ liệu công bố đến ngày 3/11/2021 của HNX và SSC, trong tháng 10/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu DN là 39.285 tỷ đồng. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 16.575 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng và trong đó có khoảng 25% trái phiếu bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Trong nhóm Bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ Công ty CP Osaka Garden (4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với mục đích nhằm đặt cọc chuyển nhượng dự án. Công ty CP Vinhomes phát hành 2.280 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với mức lãi suất cho 4 kỳ đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.

Ngân hàng là nhóm ngành xếp thứ 2, chiếm 22% tổng giá trị phát hành trong tháng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phát hành 4 đợt với tổng giá trị 2.050 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 4,2%/năm, là ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất trong tháng. Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) đứng thứ 2 với 2 đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.850 tỷ đồng, lãi suất 3.8%/năm.

Tương tự, tính chung 10 tháng năm 2021, nhóm bất động sản vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163.900 tỷ đồng, chiếm 37,4%. Trong đó, có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5,2 - 13%/năm.

Đầu năm đến nay, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty CP Bất động sản BIM (200 triệu USD), trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và Công ty CP VinPearl (425 triệu USD).

Báo động sức khỏe doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính cho biết, thị trường trái phiếu DN vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, cần giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh. Đối với tài sản đảm bảo của trái phiếu, trong số các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ các tháng đầu năm 2021, trái phiếu DN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1% (trong đó trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành chiếm 76%). Trong số 300 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, 207 DN phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.

Trái phiếu “nóng”, sức khỏe doanh nghiệp ở mức báo động
Trái phiếu “nóng”, sức khỏe doanh nghiệp ở mức báo động

Đối với DN phát hành, trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành trái phiếu DN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt, đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 DN bất động sản phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021. Tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các DN bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Tương tự, theo đánh giá của FiinGroup, năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành trái phiếu DN bất động sản chưa niêm yết hiện đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu DN của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết, có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1x, trong khi các DN niêm yết chỉ ở mức 2,5x.

Đầu tư trái phiếu thế nào để an toàn?

Đối với các nhà đầu tư, theo Bộ Tài chính, Luật Chứng khoán, Luật DN và các Nghị định về phát hành trái phiếu DN đã quy định rõ chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu DN phát hành riêng lẻ.

Bộ Tài chính khuyến nghị, khi được giới thiệu mua trái phiếu DN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính DN và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ; tài sản đảm bảo của trái phiếu…

Nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu DN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu. Và hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/trai-phieu-nong-con-suc-khoe-doanh-nghiep-o-muc-bao-dong-442782.html