Hàng sản xuất trong nước ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tuy nhiên, hàng Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều sức ép mới, đòi hỏi phải có giải pháp để tận dụng lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được tổ chức, các doanh nghiệp và chuyên gia đều có chung ý kiến: Để chinh phục người tiêu dùng Việt, doanh nghiệp phải chuyển từ lượng sang chất, chú trọng đến chất lượng, mẫu mã hàng hóa. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm Ninh Thị Ty cho biết, quá trình xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản cho thấy người Nhật chỉ tin dùng và tự hào khi dùng hàng Nhật Bản. Đây là mô hình mà doanh nghiệp Việt nên học hỏi và triển khai theo hướng hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Hàng Việt Nam được đưa về tận vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân.
Theo kết quả điều tra xã hội học do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thực hiện, sau 10 năm triển khai, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo được sự lan tỏa trong xã hội, góp phần khuyến khích và định hướng người tiêu dùng trong việc sử dụng, mua sắm hàng Việt Nam. Năm 2016, chỉ khoảng 30% số người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt Nam, thì đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên 64,6%. Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội đã đẩy mạnh các chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt Nam để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến 2018, thành phố đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được tổ chức hằng năm, vừa góp phần ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp trong nước có nhiều thành công, vừa quảng bá rộng rãi thương hiệu của các sản phẩm hàng hóa trong nước.
10 năm qua, thành phố đã phối hợp các đơn vị tổ chức hơn 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội. Các bên đã ký hơn 3.000 biên bản ghi nhớ, hỗ trợ hơn 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối trong nước và ngoài nước.
Mặc dù hàng Việt đã chiếm tỷ lệ 80 - 90% tại các kênh phân phối hiện đại, 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống, tuy nhiên báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty Nielsen cho thấy, cuộc vận động đang có dấu hiệu chững lại khi chất lượng, mẫu mã hàng Việt thua kém hàng ngoại nhập. Tại các phiên chợ Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, người dân phản ánh sản phẩm Việt có uy tín, chất lượng cao khi xuất khẩu nhưng cùng nhãn hiệu đó dành cho thị trường nội địa, chất lượng lại thua hàng ngoại nhập.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam chia sẻ: Sau 10 năm triển khai cuộc vận động đã định vị được khái niệm “hàng Việt Nam” trong tâm trí người tiêu dùng, nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa. Để đáp ứng đòi hỏi này, doanh nghiệp Việt phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm...
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm không thua kém hàng ngoại nhập, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng chia sẻ, doanh nghiệp dành khoản vốn đầu tư công nghệ, cải tiến phương thức làm việc, thay đổi mẫu mã để sản phẩm đạt tiêu chí tốt, bền, đẹp. “Nhờ mở rộng nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp đã sản xuất nhiều sản phẩm mới lạ như khóa vân tay, khóa thần tài. Hiện trên 90% sản phẩm tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, doanh thu tăng mạnh từng năm”, ông Thắng cho biết. Trên chặng đường chinh phục người tiêu dùng, Công ty Điện cơ Thống Nhất đã liên tục thay đổi mẫu mã quạt điện, từ chiếc quạt thô sơ, đến nay sau nhiều lần cải tiến, sản phẩm đã có nhiều mẫu mã đẹp, ít tốn điện, có chức năng điều khiển từ xa như quạt Nhật Bản. Quan trọng hơn cả, giá bán sản phẩm chỉ bằng 1/2 - 1/3 sản phẩm nhập khẩu...
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được như vậy. Hiện, doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn lực yếu, khó đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ thiết thực hơn, bởi có những vấn đề không chỉ mang tính khách quan, mà phát sinh từ thể chế, cơ chế, chính sách.
Theo các chuyên gia, thành công bước đầu của doanh nghiệp cho thấy, thời gian tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin người tiêu dùng bởi cốt lõi cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng. Nhà nước chỉ xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt. "Để tạo được thành công cho sản phẩm của mình, các nhà sản xuất phải chinh phục người tiêu dùng bằng gu thẩm mỹ, sự độc đáo và giá thành hợp lý. Ngoài ra, để kích thích người tiêu dùng trong nước quan tâm và sử dụng hàng hóa nội địa nhiều hơn, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến truyền thống, tập quán, nét văn hóa… của dân tộc. Chỉ bằng con đường đầu tư sản phẩm mới, doanh nghiệp mới có thể chinh phục người tiêu dùng Việt", Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết.
Nguồn:http://baodansinh.vn/hang-viet-can-thay-doi-de-khong-thua-ngay-san-nha-d98894.html