Thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là tiềm năng tuy nhiên hệ thống bán lẻ hiện đại còn rất ít (Ảnh minh họa)
Theo thống kê, mặc dù chỉ có 110 trong tổng số 800 điểm siêu thị trên cả nước, tức chỉ bằng 1/8, nhưng doanh số một điểm bán của doanh nghiệp FDI có thể gấp 7 - 8 lần doanh nghiệp nội.
Với gần 95 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là rất tiềm năng tuy nhiên hệ thống bán lẻ hiện đại còn rất ít. Cả nước hiện mới có khoảng 800 siêu thị, chiếm 25% và kênh truyền thống chiếm 75%.
Cũng theo thống kê, do có nhiều hạn chế nên hiện nay, đồ chơi, đồ điện dân dụng, may mặc thì Trung Quốc có thị phần từ 40% - 50%. Hàng điện máy, điện tử cao cấp thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chiếm 60% - 70%. Hiện với thị trường bản lẻ, Việt Nam chỉ còn thế mạnh là hàng nông sản khi thị phần còn chiếm tới chiếm 80% - 90%.
Để tận dụng lợi thế, cũng theo Hội Siêu thị Hà Nội cần phải chú trọng hơn nữa kênh bán lẻ truyền thống tức là chợ. Chợ hiện đang chiếm đến 75% thị phần, tuy nhiên kênh phân phối này đang tăng trưởng chậm lại. Do vậy khuyến cáo đưa ra là phải quan tâm cải tạo lại chợ vì đến năm 2040 chúng ta mới phấn đấu đạt 45% bán lẻ hiện đại, vẫn còn 55% là chợ truyền thống.
Theo khảo sát Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ do Nielsen Việt Nam cho thấy có 45% nhà bán lẻ truyền thống thể hiện sự lo ngại về sức mua của người tiêu dùng, có 28% nhà bán lẻ lo ngại về số lượng người đến mua hàng giảm so với trước đây; 14% lo lắng về sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ khác.
Cũng theo dự báo từ một số công ty nghiên cứu thị trường cho biết, đến năm 2020 cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại. Riêng ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại đến thời điểm đó sẽ tăng đến 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho ngành bán lẻ hiện đại nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.