Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, người lao động sẽ có thêm việc làm, việc làm sẽ bền vững hơn, người lao động sẽ có thu nhập cao hơn. Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau (Việt Nam và EU) cũng sẽ được thực hiện, nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn. Đây là những lợi ích mà tổ chức Công đoàn được mang lại khi thực thi Hiệp định.

Người lao động sẽ được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực.

Một đặc trưng cơ bản của các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đó là đưa những tiêu chuẩn rất mới gắn với quyền con người với các vấn đề xã hội và vấn đề quản trị quốc gia đưa vào hiệp định. Trong đó, vấn đề tiêu chuẩn lao động cũng được xác định là một trong những vấn đề lớn kể cả CPTPP hay EVFTA là những điều khoản gần như là cuối cùng để thống nhất được trước khi kết thúc đàm phán.

Theo ông Hiểu, đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng xác định sẽ có những khó khăn với những yêu cầu của Hiệp định với tổ chức của mình. Tuy nhiên, đặt lợi ích của một tổ chức trong lợi ích tổng thể của một quốc gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn toàn thống nhất với việc Công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác ngoài Công đoàn truyền thống.

"Chúng tôi xác định khi có sự cạnh tranh vừa là một thách thức vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực của mình.Vì vậy, Tổng Liên đoàn thể hiện sự đồng ý rất cao nhất trí với cơ quan tham gia đàm phán về việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Sau này thể hiện rất rõ trong Bộ Luật Lao động. Cùng với đó, Công đoàn thống nhất rất cao việc phê chuẩn Công ước số 98 về công nhận quyền thương lượng tập thể. Trên cơ sở những đề xuất như vậy, chúng tôi nhận được sự đồng tình rất cao của các đại biểu Quốc hội của chúng ta đối với Bộ Luật Lao động cũng như Công ước số 98", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Trao đổi về những thách thức đặt ra với Việt Nam khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Cần có chính sách rất tổng thể, chiến lược mang tầm quốc gia. Ở góc độ Công đoàn, các cấp công đoàn cần tham gia tích cực hơn đối với nhiệm vụ này thông qua việc Công đoàn đã xây dựng đề án "Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước".

Theo đó, Công đoàn Việt Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể, như: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người lao động, nâng cao trình độ nghề; Công đoàn tham gia động viên, khích lệ người lao động trong thay đổi thói quen, tác phong công nghiệp, ý thức tuân thủ kỷ luật.

Cùng với đó, Công đoàn phát động phong trào thi đua trong từng doanh nghiệp; tổ chức những lớp đào tạo về tay nghề, hiểu biết tuân thủ pháp luật… qua đó góp phần nâng cao trình độ người lao động, nhất là trình độ tay nghề. "Theo tôi, cùng lúc chúng ta tham gia hai Hiệp định (EVFTA và EVIPA), sẽ cần phải điều chỉnh chiến lược quốc gia về đào tạo nghề cũng như đổi mới về giáo dục. Với trách nhiệm của tổ chức, thời gian tới, chúng tôi sẽ cụ thể hóa, thực thi, cố gắng vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội, để cùng cả nước đi lên trong tiến trình cụ thể hóa và triển khai Hiệp định", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau 7 năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau 7 năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông thủy sản…

Theo Báo Dân Sinh