Tại thị trường trong nước, từ sau dịp Tết, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước tăng rất mạnh do nhu cầu mua của doanh nghiệp tăng cao và một số nhà đầu tư cũng như các kho chuẩn bị tích trữ cho vụ mùa mới.
Ngày 19/3/2021, giá hồ tiêu đen trong nước tăng mạnh từ 42,1 - 44% so với ngày 27/2/2021, lên mức 76.000 - 79.500 đồng/kg. Giá hồ tiêu trắng tăng mạnh 32% so với cuối tháng 2/2021, lên mức 103 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 74,6%.
Cập nhật đến ngày 24/3, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước dù đã giảm tại các địa phương so với những ngày trước đó nhưng vẫn đang được giao dịch ở mức từ 69.000 - 73.000 đồng/kg.
Tại thị trường thế giới, giá hồ tiêu thế giới cũng giảm mạnh so với một ngày trước đó khi giảm tới 125 Rupee/tạ. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 24/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 38.075 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.225 Rupee/tạ (cao nhất).
Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 18/3/2021, giá hồ tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tăng lần lượt 13,9% và 12,3% so với ngày 26/2/2021, lên mức 3.595 USD/tấn và 3.635 USD/tấn.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 18/3/2021 giá hồ tiêu đen xuất khẩu tăng 2,8% so với ngày 26/2/2021, lên mức 3.015 USD/ tấn. Giá hồ tiêu trắng xuất khẩu tăng 7,0% so với ngày 26/2/2021, lên mức 5.489 USD/tấn.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 18/3/2021 giá hồ tiêu đen xuất khẩu tăng 2,6% so với ngày 26/2/2021, lên mức 3.950 USD/tấn. Giá hồ tiêu trắng xuất khẩu tăng 1,0% so với ngày 26/2/2021, lên mức 5.300 USD/tấn. Tại cảng Kochi (Ấn Độ), giá hồ tiêu đen xuất khẩu tăng 4,7% so với ngày 26/2/2021, lên mức 5.073 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, những ngày giữa tháng 3/2021, giá hồ tiêu đen xuất khẩu tại các nước sản xuất chính tăng do nhu cầu từ phía Trung Quốc tăng mạnh. Bên cạnh đó, người dân có tâm lý giữ hàng khiến nguồn cung hạn chế.
Theo IPC, 3 tuần sau Tết, giá hồ tiêu Việt Nam ghi nhận mức tăng 40% so với thời điểm trước Tết. Theo báo cáo, số lượng hồ tiêu được giao dịch hạn chế tại thị trường Việt Nam và nhu cầu lớn chuyển sang Brazil khi hồ tiêu của Brazil được giữ ở mức giá đủ thấp.
Áp lực duy nhất hiện nay về nguồn cung nhắc nhở Việt Nam cũng như quốc gia sản xuất khác về tầm quan trọng của việc đa dạng sản phẩm chế biến từ hồ tiêu để gia tăng giá trị như dầu tiêu, nhựa dầu tiêu,… thay vì chỉ dựa vào tiêu nguyên hạt.
IPC đánh giá, giá hồ tiêu Việt Nam biến động khó lường đã tạo ra tác động không muốn cho cả người bán và người mua vì đây là cuộc mạo hiểm rủi ro. Mặc dù người nông dân được lợi từ việc tăng giá nhưng một số đã găm hàng lại với hy vọng sẽ ở mức cao hơn, điều này thúc đẩy người mua chuyển sang quốc gia sản xuất khác với mức giá hợp lý hơn, kết quả là thiệt hại thuộc về người ôm hàng.
Trước tình trạng giá hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh thời gian qua, IPC cảnh báo, sự tăng cao bất thường này không phải chủ yếu do yếu tố thị trường, yếu tố cung cầu thúc đẩy. Điều này khiến cho thị trường Việt Nam khó có thể dự đoán và ảnh hưởng đến nhà chế biến, sản xuất và nông dân.
Nguồn: https://congluan.vn/hiep-hoi-ho-tieu-quoc-te-canh-bao-tinh-trang-gia-ho-tieu-tang-bat-thuong-post124714.html