Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong than pin thường có các kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín… đều là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Sử dụng hồ tiêu trộn tạp chất chứa than pin, với nhiều kim loại nặng sẽ bị ngộ độc cấp tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường, ngộ độc cấp tính nặng có thể gây tử vong.
PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, khi ăn phải hồ tiêu trộn mangan dioxit sẽ có thể bị ngộ độc.
Khi vào hệ thần kinh, bột mangan dioxit gây độc hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson.
Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể. Ngoài ra, chất này còn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và phụ nữ, có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận, tim mạch…
Khi chẳng may ăn phải các thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng từ pin, người bệnh thường có những biểu hiện như:
- Ngộ độc thủy ngân, bệnh nhân có biểu hiện vị kim loại nặng trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2 - 3 ngày chết vì suy thận.
- Ngộ độc cấp bởi Asen (thạch tín), nạn nhân có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái và tử vong nhanh chóng.
- Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn uống phải một lượng chì 25 – 30gam, nạn nhân lúc đầu có thể thấy vị ngọt, rồi chát, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.
Chính vì vậy, mọi người cần tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng đồ ăn, thức uống có chứa mangan dioxit và các kim loại nặng khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Ngày 3/9, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan công an đã hoàn tất quá trình điều tra và VKSND tỉnh đang xây dựng cáo trạng để truy tố các đối tượng trong vụ án "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm" xảy ra vào tháng 4/2018 ở tỉnh này.
Các đối tượng đã khai nhận sản xuất hỗn hợp tạp chất cà phê nhuộm than pin để trộn vào hồ tiêu từ cuối năm 2015, đã xuất bán khoảng 15-20 xe, mỗi xe từ 15 - 20 tấn.
Theo cơ quan tố tụng, bà Phan Thị Dung, Giám đốc Công ty Thương mại và Sản xuất Thảo Dung (ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là doanh nghiệp chuyên kinh doanh, thu mua nông sản và tiêu hạt.
Do tỉ lệ tạp chất chứa trong hồ tiêu bán cho đối tác dưới mức cho phép nên Dung đã nhờ bà Lê Thị Hồng Thơ, Giám đốc Công ty Tịnh Thơ (ở xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tìm mua tạp chất để trộn vào hồ tiêu để tăng thêm trọng lượng.
Ngày 22/4, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ tại cơ sở của bà Dung 9 tấn tiêu đã trộn tạp chất chứa than pin khi bà Dung chưa kịp tiêu thụ. Ngày 3/5, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối trên để làm rõ hành vi "Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Theo kết quả giám định, trong mẫu tiêu hạt gửi đi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra có tìm thấy các tạp chất gồm: vỏ vụn cà phê, vụn đá, bột than pin. Trong đó, bột than pin có thành phần mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua… Đây là những chất bị cấm trong sử dụng phụ gia thực phẩm.