Cây thanh long thuộc họ xương rồng, trồng nhiều ở miền Trung và miền Nam. Theo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM, trái thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm... nên bà con hay dùng để giải nhiệt, nhuận trường. Chất nhầy trong trái thanh long giúp giảm cholesterol của thức ăn và muối mật - rất cần cho người béo phì, người có hàm lượng cholesterol huyết tăng cao, người bệnh đái tháo đường, táo bón kinh niên.

Theo Đông y, hoa thanh long khi nở có màu trắng đẹp, có tác dụng bổ phế, trừ ho, chữa viêm phế quản, viêm hạch bạch huyết thể lao, giải độc rượu… Những món ăn được chế biến từ hoa thanh long đều rất bổ dưỡng và là những bài thuốc quý.

Hoa thanh long còn được coi là rau sạch, nấu canh với thịt lợn, hải sản vừa là món ăn, bài thuốc trong nhà. Dù hoa thanh long nấu với thịt lợn nạc hay các loại hải sản tươi đều rất ngon, bổ dưỡng, thanh nhiệt bổ mát. 

Búp hoa thanh long được dùng chế biến nhiều món ăn. Ảnh minh họa.

Theo bà Trương Thị Thu Liễu, bếp trưởng của một Resort ở BìnhThuận), hoa thanh long cần chọn loại nở 7 ngày mới đủ độ dẻo thơm. Vì hoa nhớt nên khi chế biến bà và đồng nghiệp thường xử lý nhớt thì hoa thanh long mới trở thành những món ăn ngon. Có nhiều món ăn làm từ hoa thanh long, từ cao cấp, tới dân dã. Bà Thu Liễu giới thiệu cách làm món súp thanh long cao cấp như sau:

Súp hoa thanh long nhồi càng ghẹ, tôm

Nguyên liệu

Hoa thanh long: 4 búp

Càng ghẹ: 8 cái

Tôm loại 6 con (loại 30 con/kg).

Hành tím 4 củ, xương gà 0,2kg, xương lợn 0,2kg, trái lê 1 quả, lòng trắng trứng gà 2 cái.

Bột năng 10gr, dầu mè, tiêu, knorr, ngò (rau thơm).

Cách làm

Hoa thanh long bỏ đầu, cắt nhuyễn.

Càng ghẹ, luộc sơ tách thịt và ướp với gia vị.

Phi hành tím cho thơm đổ thịt ghẹ vào xào sơ.

Xương gà, heo luộc sơ qua nước muối rồi rửa sạch, đổ 1,5 lít nước vào ninh. Cho trái lê nướng chín vào để tạo độ ngọt thanh mát, lạ miệng, chống ngán.

Nhồi hỗn hợp ghẹ và tôm vào hoa Thanh long và cho vào xửng hấp lên.

Lọc nước xương và nấu giống như súp, nêm gia vị vừa ăn. Khi ăn múc ra bát, cho thêm 1 giọt dầu mè, và 1 lá ngò trang trí.


Hoa thanh long làm món ăn nên chọn hoa mới hé. Ảnh minh họa.

Ngoài ra còn có những món ăn bài thuốc chế biến từ hoa thanh long dân dã, dễ làm như sau:

Canh hoa thanh long nấu thịt lợn nạc

Món ăn bài thuốc nấu hoa thanh long với thịt lợn nạc để làm món súp bổ dưỡng, chữa được tình trạng phổi yếu hay bị ho đàm. 

Hoa thanh long nấu canh, bà con thường tỉa những búp không có khả năng đậu quả, mọc sát nhau, mới trổ ra từ thân (búp) nấu canh ngọt và bổ dưỡng.

Búp thanh long hái về rửa sạch, dùng dao xắt thành từng đoạn cỡ 2 - 3 cm.

Thịt lợn nạc rửa sạch, băm nhỏ. Phi dầu rồi cho thịt vào đảo.

Đổ lượng nước vừa đủ ăn vào, đun to lửa và nêm gia vị cho vừa miệng. Khi nước sôi thì đổ thanh long vào, đun nước sôi lại thì bắc xuống ngay kẻo hoa quá chín ăn sẽ nát.

Canh thanh long thường ăn nguội, có tác dụng giải nhiệt.

Sườn tiềm hoa thanh long

Nguyên liệu

Sườn non 3g, chặt khúc 3cm

Hoa thanh long khô 40g, Táo mật 20g, quả sung khô 20g (không tẩm đường sẽ hợp với món mặn), Gừng gọt vỏ 10g.

Ớt sừng, muối, đường phèn, nước tương, bột ngọt, hạt nêm.

Cách làm

– Chần sườn qua nước sôi rồi vớt ra để nước sườn thơm và nước tiềm trong.

– Hoa thanh long khô ngâm mềm, bỏ nhụy và gốc.

- Táo mật, sung khô rửa sạch.

- Gừng cắt lát, đập giập.

Cho sung, sườn, hoa thanh long, táo mật, gừng vào một chiếc tô sạch. Nêm đường phèn, bột ngọt, gia vị, muối vừa miệng, rồi chia vào 2 thố. Rồi đặt thố vào xửng và tiềm khoảng 2 giờ tới khi sườn mềm và ngấm đều với hoa thanh long.

Nếu không có xửng hấp thì ninh trực tiếp món ăn này.

Món này ăn nóng với cơm, chấm kèm nước tương và ớt cắt lát.

Nụ thanh long muối chua

Người nông dân thường vặt bớt những búp thanh long mọc sát nhau để cho quả thanh long tập trung dinh dưỡng phát triển, và họ dùng búp thanh long muối chua.

Nguyên liệu

Búp thanh long, hà̀nh tím, ớt, dấm, muối, đường.

Cách làm

Búp thanh long rửa sạch.

Hành tím bóc vỏ, cắt lát mỏng.

Pha muối, đường, nước, dấm giấm (tỉ lệ 3:1). Xếp búp thanh long vào hũ, xen kẽ là vài lát hành tím, ớt trái.

Để khoảng 3 ngày có thể dùng được.

Quy trình làm thanh long muối chua đơn giản như cải muối chua thông thường, nhưng món ăn ngon lạ miệng.

Theo Ngọc Hà/Gia đình & Xã hội