Tết xưa "tiếng pháo đì đùng"

Tết xưa là những nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm trời. Trước Tết là thời điểm những bà mẹ từ nông thôn đến thành thị trong "hồi ức 1990" luôn phải tất bật, tự tay sửa soạn, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, tất bật với bánh trái, lợn gà để lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy.

Tết xưa... (Ảnh: zing.vn)

Tết xưa tưng bừng tiếng pháo. Những năm 1990, tục lệ đốt pháo trong những ngày đầu năm mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Pháo ngày xưa là pháo dây với tiếng nổ “đùng”, “đoàng” rất vui tai mà nhiều người vẫn ví von là “nổ to như pháo rang”. Tết đến là sân nhà đầy những xác pháo hồng, mừng cho một năm mới lại đến.

Thập niên 1990 gắn liền với hình ảnh những bánh pháo hồng rực. (Ảnh: Vnexpress)

Chợ hoa xuân Tết xưa chỉ có vài loại hoa đặc trưng như đào, mai, cúc,... - đại diện cho mùa xuân của ba miền trên cả nước. Đồ trang trí Tết cũng chỉ đơn giản với đôi ba câu đối, đèn lồng đỏ, pháo dây hồng... Đặc sản Tết xưa chỉ là mứt Tết được làm, trang trí bằng giấy cac-tông mỏng với món ăn không thể thiếu được trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc - Bánh chưng tự gói.

Phiên chợ Tết xưa (Ảnh: Internet)
Phiên chợ Tết xưa (Ảnh: Internet)
Phiên chợ Tết xưa (Ảnh: Internet)
Phiên chợ Tết xưa (Ảnh: Internet)

Phiên chợ Tết xưa (Ảnh: Internet)

Trong kí ức của thế hệ 8x, đầu 9x, phố phường Hà Nội nói riêng đến những ngày giáp Tết là vắng lạ thường và êm ả, yên bình. Thời điểm đó, phương tiện chủ yếu chỉ là xe đạp hoặc phương tiện công cộng như tàu điện, nhà nào có xe máy là như có cả một gia tài. 

Những ngày cận Tết trong "Hồi ức 1990" là những phố phường bình lặng, vắng vẻ. (Ảnh: zing.vn)

Tết của hồi ức 1990 là Tết của sự bình dị với những niềm háo hức chờ mong có quần áo mới, mong được ông bà, cha mẹ lì xì, được du xuân cùng cả gia đình, được đi lễ chùa, xin chữ "ông đồ" đầu năm, mong cho một năm mới an yên hạnh phúc....

Tết nay là "phút giao thừa lặng lẽ"

Sở dĩ nói Tết nay "lặng lẽ" hơn bởi pháo dây đã bị cấm gần 20 năm qua (từ năm 1995), thay vào đó là pháo hoa bắn tại các điểm nhất định trong thành phố. Đêm giao thừa cũng vì thế mà "lặng lẽ" hơn Tết xưa.

Pháo dây được thay thế bởi pháo hoa - bắn tại các điểm nhất định của từng thành phố trong đêm giao thừa

Tết trong trong tâm niệm của mỗi người vẫn là dịp để gia đình sum vầy. Tuy nhiên ngày nay quan niệm đó không còn sâu sắc như trước nữa. Có những phong tục tập quán đang nhạt dần và nhiều người không còn háo hức chờ đón cái Tết như xưa nữa. 

Sự chuẩn bị đón Tết cũng đơn giản và tiện lợi hơn nhờ sự xuất hiện của các siêu thị, trung tâm thương mại. Chẳng còn những cảnh nuôi lợn, nuôi gà hay tấp nập ngồi lại gói bánh, gói chả giò. Gần Tết, các gia đình chỉ cần lên danh sách những thứ cần mua và đi siêu thị, đi chợ sắm Tết, thậm chí nếu không muốn xếp hàng chờ đợi tính tiền ở siêu thị nhiều người mua online trên mạng là đã có 1 cái Tết tươm tất bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn. 

Phụ nữ thời nay chỉ cần ở nhà, chọn đồ trực tuyến, tất cả sẽ có dịch vụ giao đến tận nơi.

Chợ hoa chơi Tết đa dạng hơn và cũng đắt đỏ, cầu kỳ hơn, đồ trang trí cũng xuất hiện thêm rất nhiều phụ kiện, không còn những "Quán nước", "Bách hóa",... như trong những phiên chợ Tết của những năm 1990. 

Chợ hoa Tết ngày nay đa dạng, cầu kỳ hơn (Ảnh: dân trí)

Theo dòng chảy thời gian, xã hội ngày càng hiện đại, niềm vui mong chờ Tết đến được ăn ngon, mặc đẹp đã không còn bởi các gia đình không còn thiếu thốn như xưa, trẻ con có thể được mua quần áo mới, ăn những món ngon quanh năm mà không cứ phải chờ đến Tết. Những bao lì xì cũng không còn khiến trẻ nhỏ háo hức như trước nữa... Xã hội hiện đại hơn nhưng những hồi ức Tết của thập niên 1990 chắc chắn sẽ vẫn đọng lại với những cảm xúc chân thật nhất.

Các em bé háo hức khi được trải nghiệm những "Hồi ức Tết 1990" (Khung cảnh chân thực của chợ quê Tết 1990 được tái hiện bởi Sasuke)

Tết nay không chỉ ngược xuôi những chuyến đi về của công nhân, sinh viên về quê ăn Tết mà còn là những chuyến đi xa của những gia đình có điều kiện muốn khám phá vùng đất mới. Quan niệm "du lịch Tết" đang dần hình thành và phổ biến hơn, họ chọn những chuyến du lịch dài ngày với những sắc thái trải nghiệm mới thay vì sum họp gia đình như xưa.

Sự khác biệt giữa Tết xưa và nay (Ảnh: Viettravel)

Có thể nói, Tết xưa và nay vui vẻ hay buồn tẻ là trong cách cảm nhận của mỗi người. Với những người già đó có thể là một sự nuối tiếc vì những truyền thống văn hóa đậm chất Việt Nam đang bị mai một còn với những người trẻ có thể là sự vui vẻ thích thú vì được dành thời gian Tết cho những chuyến trải nghiệm riêng.

Tết đến, mỗi người một cảm xúc, cho dù Tết có đơn sơ hay Tết đủ đầy, thì những điều mong ước cũng chỉ gói gọn trong các chữ BÌNH AN, HẠNH PHÚC mà thôi...

Theo Trúc An/Đô thị mới