Theo một báo cáo của New Financial vừa công bố, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển văn phòng, nhân viên và tài sản ra khỏi Vương quốc Anh sang các nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trong số 440 hãng này, có khoảng 420 đang thiết lập các trụ sở mới ở EU.
Ngoài khối tài sản trị giá 900 tỷ bảng Anh được dịch chuyển trong quá trình tái thiết lập trụ sở trên của các ngân hàng và công ty tài chính, các công ty bảo hiểm và hãng quản lý tài sản trị giá 100 tỷ bảng Anh (138 tỷ USD) ra khỏi Vương quốc Anh trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, New Financial cũng chia sẻ thêm rằng, bản báo cáo công bố hôm 15/4 vẫn chưa phản ánh hết được đầy đủ bức tranh ảm đạm của thị trường tài chính Anh hậu Brexit. Đó là vì một số công ty hay ngân hàng từ trước đã đặt trụ sở chính tại EU. New Financial cũng dự báo xu hướng dịch chuyển trụ sở và khối tài sản của các công ty khỏi Vương quốc Anh vẫn sẽ tiếp diễn.
“Xu hướng dịch chuyển của các hãng tài chính và ngân hàng vẫn sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt là khi khối Liên minh châu Âu bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn về việc Anh rời khỏi khối”, dẫn báo cáo của New Financial. Theo báo cáo có gần 70 công ty đang mở rộng hoạt động kinh doanh ở EU.
Theo báo cáo, có đến 25% trong số 440 công ty đã chuyển đến Dublin (Cộng hòa Ireland), tiếp đến là Paris (Pháp) và Luxembourg (Bỉ), lần lượt chiếm 19% và 17% trên tổng số. Mặc dù thủ đô của Đức (Frankfurt) xếp thứ tư trong danh sách điểm đến của các hãng, chỉ chiếm 12%, nhưng báo cáo của New Financial cũng cho rằng thủ đô tài chính của Đức sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về dài hạn.
Mặc dù những tác động về việc làm vẫn chưa rõ ràng tại Anh, nhưng nhiều khả năng trong tương lai, sẽ gây thiệt hại tiềm ẩn về dài hạn. Báo cáo nhấn mạnh: “Sự phân bổ lại hoạt động của các ngân hàng và công ty tài chính trên toàn EU này đã kéo nước Anh quay trở lại thời điểm khoảng 20 năm về trước”.
New Financial, thông qua báo cáo, cũng cho rằng sự chuyển đổi về kinh doanh, tài sản và nguồn lực sẽ dần dần làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Vương quốc Anh trong ngành tài chính ngân hàng ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Theo đó, thặng dư thương mại của Vương quốc Anh trong lĩnh vực tài chính cũng có thể bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, London vẫn được coi là một trung tâm tài chính cốt lõi ở châu Âu, báo cáo cho biết.
Theo thỏa thuận Brexit, kể từ ngày 1/1/2021, lĩnh vực tài chính của Vương quốc Anh đã bị mất quyền tiếp cận các thị trường đơn lẻ và “hộ chiếu” vào châu Âu - một công cụ cho phép các sản phẩm và dịch vụ tài chính của Anh được bán ở thị trường EU.
Khả năng ngành tài chính của Anh duy trì kinh doanh trong khối EU phần lớn phụ thuộc vào việc đạt được các quy chế tương đương trong 59 lĩnh vực cụ thể. Hiện phía London đã cấp quy chế tương đương cho các công ty tài chính có trụ sở tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, EU mới chỉ cấp phép cho các công ty tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh quy chế tương đương ở hai lĩnh vực.
Nguồn: https://congluan.vn/hang-hoa-xuat-nhap-khau-se-duoc-nhan-thong-bao-phan-tich-nhanh-nhat-post128650.html