Tại cuộc họp cung cấp thông tin nhân Tuần lễ Quốc gia Không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5, PGS.TS Lương Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch.
Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và virus, bao gồm cả Covid-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với Covid-19.
“Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu là do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của Hội đồng Các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4 cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại virus corona và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm Covid-19. Những nghiên cứu đã công bố cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc Covid-19.
Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho hay, hiện nay, việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới, gồm: Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường. Thậm chí, các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới tập trung vào việc thu hút giới trẻ.
Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố Việt Nam năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh giảm từ 4% xuống 3,6%. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6%.
"Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng được cho thêm các phụ gia có hại cho sức khỏe, rất khó kiểm soát, nhất là đối với thế hệ trẻ", bà Hải nói.
Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) là "Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá". Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.
Năm 2020, Tuần lễ không khói thuốc sẽ tập chung vào các nhóm thông điệp kêu gọi hành động:
1. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc tại nơi làm việc.
3. Không hút thuốc vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.
4. Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do ung thư phổi.
5. Bỏ thuốc lá đế giảm nguy cơ mắc bệnh và từ vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
6. Hãy nhắc người hút thuốc không hút gần mình và những người xung quanh.
7. Hãy gọi 1800-6606 để được tư vấn cai thuốc lá miễn phí.
8. Hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn.